Chính phủ sẽ quy định những vi phạm bị trừ điểm bằng lái xe

(PLO)- Bộ Công an cho biết dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ quy định cụ thể các hành vi vi phạm nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị trừ điểm bằng lái xe, mức trừ điểm cụ thể.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo báo cáo giải trình của Chính phủ về một số nội dung lớn trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành. Trong đó, Bộ Công an tiếp tục đề xuất bổ sung quy định điểm, trừ điểm bằng lái xe vào dự luật.

Thay vì tịch thu, tài xế chỉ bị trừ điểm bằng lái

Năm 2020, Bộ Công an từng đề xuất đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điểm và trừ điểm bằng lái xe. Tuy nhiên, thời điểm đó cơ quan soạn thảo nhận định đây là một hình thức xử lý vi phạm hành chính nên cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính nên dự luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu không có quy định điểm, trừ điểm bằng lái xe.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự luật được chỉnh lý và đưa quy định điểm, trừ điểm bằng lái xe vào. Theo đó, Bộ Công an thay đổi quan điểm cho rằng điểm, trừ điểm bằng lái xe được quy định trong dự luật là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Quy định này vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, “mỗi lần bị trừ điểm như là “tiếng chuông” cảnh báo, giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn”.

Với quan điểm đó, trong lần giải trình này Bộ Công an khẳng định thêm một lần nữa cơ sở thực tiễn để đưa nội dung trên vào dự luật. Cụ thể ở đây là tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người, nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ.

Thêm vào đó, công tác đào tạo lái xe còn bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, một số công đoạn của việc đào tạo, sát hạch còn hình thức, dễ dãi. Không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sát hạch và được cấp bằng lái xe nhưng không đủ tự tin để lái xe ra đường, kỹ năng lái xe kém, không nắm được các quy định của luật.

Ngoài ra, quy định hiện hành xử phạt người lái xe một số lỗi vi phạm giao thông bằng hình thức tước bằng lái xe với thời hạn từ một tháng đến hai năm. Mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 trường hợp bằng lái xe. Khi bị tước bằng lái xe, người lái xe không được phép điều khiển xe dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân.

“Việc tước bằng lái xe đang được thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ bằng lái xe không đến lấy, tồn đọng nhiều bằng lái xe tại cơ quan xử phạt dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe…” - Bộ Công an cho hay.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất đưa vào dự luật theo hướng bằng lái xe sẽ có 12 điểm/năm, nếu trong một năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại. Trường hợp trong thời hạn 12 tháng lái xe chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm. Bằng lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển xe tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân…

Bộ Công an tiếp tục đề xuất bổ sung quy định điểm, trừ điểm bằng lái xe vào dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: PHI HÙNG
Bộ Công an tiếp tục đề xuất bổ sung quy định điểm, trừ điểm bằng lái xe vào dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: PHI HÙNG

Xác định rõ hành vi sẽ bị trừ điểm

Liên quan đến đề xuất trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ. “Vì quy định này giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế. Thêm vào đó, doanh nghiệp, cơ quan cũng quản lý được và xem xét ký hợp đồng lao động, giám sát việc tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc” - ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho hay.

Đồng quan điểm trên nhưng Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp trừ điểm bằng lái xe.

Còn Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Bộ Công an nghiên cứu pháp luật quốc tế về việc trừ điểm bằng lái xe đối với hành vi điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để áp dụng cho Việt Nam.

Liên quan đến những vấn đề trên, Bộ Công an cho biết để triển khai quy định trừ điểm bằng lái xe, luật sẽ giao Chính phủ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi bằng lái xe. Theo đó, quy định cụ thể các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, người vi phạm sẽ bị trừ điểm bằng lái xe, mức trừ điểm trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu, quy định cụ thể và đảm bảo không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

“Khi có quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm, người lái xe sẽ nhận được thông báo của cơ quan xử phạt về việc bằng lái xe bị trừ điểm; hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động trừ điểm, không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm nên sẽ không phát sinh tiêu cực, không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hoặc sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu còn điểm, hệ thống sẽ tự động phục hồi điểm cho người lái xe…” - Bộ Công an cho hay.•

Nhiều nước trên thế giới đều có quy định trừ điểm bằng lái xe

Bộ Công an cho biết nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm bằng lái xe đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm