“Trên địa bàn huyện Nhà Bè có nhiều khu vực phải sử dụng nhiều xuyệt như báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh. Nguyên do nhiều tuyến hẻm đa phần có chiều dài 3-4 m và chưa đủ điều kiện để hình thành đường (phải tối thiểu 7 m) để đặt tên đường, giảm bớt xuyệt khi đánh số nhà” - ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, TP.HCM, nói.
Cũ “siêu xuyệt”, mới cũng không kém
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ở phường An Lạc, quận Bình Tân có một khu vực có số nhà lên đến năm xuyệt như: 36/45/32/49/13/18, 36/45/32/49/13/22, 36/45/32/49/13/44…
Ông Võ Thanh Sơn, Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho biết nguyên nhân xảy ra những số nhà nhiều xuyệt là những căn nhà có từ khi khu vực này còn thuộc huyện Bình Chánh. Lúc này, khu vực chỉ có một con đường Bùi Tư Toàn nên áp dụng theo Quyết định 1958/1998 của UBND TP để đánh số theo đường nên có nhiều xuyệt.
“Thực tế nảy sinh nhiều bất cập nên gần cuối tháng 2-2016, quận đã có văn bản gửi các phường khảo sát, kiểm tra việc đặt số và gắn số nhà trên địa bàn phường để có rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp” - ông Sơn thông tin.
Số nhà “siêu xuyệt” như thế này không phải là hiếm ở Nhà Bè, Bình Tân… Ảnh: NGUYỄN TÂN
Trong khi đó, nhiều người dân ở các khu phố 5, 6 và 9 thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè… cho biết các khu vực dân cư này mới hình thành vẫn vướng tình trạng số nhà dài lê thê. Số nhà năm xuyệt như ở Bình Tân chưa phải là nhất vì ở đây hàng loạt nhà đeo năm, sáu xuyệt và còn được “khuyến mãi” thêm chữ cái phía sau như: 1806/127/2/6/15/48B, 1806/127/2/6/15/48/2A, 1806/127/2/6/15/48/2A… “Số nhà nhiều xuyệt ở thị trấn tương đối nhiều, tập trung ở khu phố 5, khu phố 6 của thị trấn, cao nhất khoảng sáu xuyệt” - ông Trần Ngọc Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhà Bè, nói.
Ông Phạm Quốc Hùng, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị UBND huyện Nhà Bè, cho biết thêm trong quá trình phát triển đô thị, nhiều khu dân cư hình thành với nhiều tuyến hẻm ngóc ngách nhỏ. Sau đó, trong giai đoạn 2012 đến năm 2014, UBND huyện Nhà Bè đổi số đại trà theo quy chế đánh số nhà của Quyết định 22/2012 của UBND TP. Đến nay, trên toàn huyện, số nhà nhiều xuyệt như trên chỉ tập trung ở thị trấn Nhà Bè, các nơi khác thì không có.
Giảm bớt xuyệt cho dân nhờ
Bà Nguyễn Thị Hoa ở 36/45/32/49/13/44 Bùi Tư Toàn, phường An Lạc cho biết khi được cấp số nhà bà có thắc mắc thì được giải thích đây là số tạm nhưng kéo dài đến nay đã 10 năm rồi. “Bức xúc lắm vì nhà gì không ai biết đường tìm đến, hỏi đường cũng không xong, toàn phải ra đón... Người dân đã nhiều lần nêu ý kiến tại các cuộc họp tổ dân phố và kiến nghị phường, quận giảm bớt xuyệt nhưng chưa được giải quyết” - bà Hoa nói.
Theo ông Võ Thanh Sơn, quận Bình Tân đã lên kế hoạch điều chỉnh những số nhà không phù hợp theo hướng đơn giản, dễ tìm và tiện lợi cho người dân. Việc gắn số này sẽ thực hiện theo Quyết định 22/2012 của UBND TP và hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Xây dựng. “Quận đã đề nghị các phường rà soát và nếu số nhà hiện nay không phù hợp thì lấy ý kiến người dân. Trường hợp người dân đồng thuận thì sẽ điều chỉnh lại theo hướng giảm xuyệt” - ông Sơn thông tin.
Tuy vậy, ông Phạm Quốc Hùng, Phòng Quản lý đô thị UBND huyện Nhà Bè, cho rằng việc giảm xuyệt là rất khó, vì đặt tên đường, tên hẻm phải phụ thuộc vào việc đảm bảo giao thông, hạ tầng kết nối và độ rộng, độ sâu của con hẻm.
“Việc điều chỉnh, giảm xuyệt các số nhà rất khó vì muốn thay đổi thì phải mở rộng đường nhưng muốn làm phải thực hiện theo quy hoạch phù hợp và còn liên quan đến giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng lớn đến người dân. Vì vậy, điều chỉnh số nhà cho logic, hợp lý hơn… là phải làm nhưng cần có quá trình, theo kế hoạch” - ông Hùng giải thích.
Theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Sở mới nhận được phản ánh về tình trạng số nhà dài như Pháp Luật TP.HCM nêu. Sở cũng đang chuẩn bị kế hoạch sơ kết công tác thực hiện Quyết định 22/2012 để lắng nghe ý kiến của các quận, huyện về việc thực hiện đánh và gắn số nhà trong thời gian qua.
“Đây cũng là một vấn đề chúng tôi cần tìm hiểu và nghiên cứu thêm nhưng chúng tôi đồng tình với cách làm của quận 8 để giảm thiểu biển số nhà quá dài gây ngán ngẩm cho người dân. Ngoài ra, có thể xem xét lại các tuyến hẻm. Nếu một hẻm dài ngoằn ngoèo nhưng liên tục thì vẫn có thể lấy một đầu làm chuẩn để gắn số nhà cho dân chứ không cần gắn thêm xuyệt”.