Chính sách đối ngoại của Philippines thời hậu Duterte

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Philippines đang trong thời gian cao điểm của các nỗ lực vận động cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, vốn sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Những lo ngại về chính sách đối ngoại, đặc biệt là sự xâm phạm của Trung Quốc (TQ) vào các vùng biển của Philippines, đã trở thành một vấn đề nóng bỏng không chỉ trong cuộc bầu cử mà cả trong nhiều năm tới.

Đặc biệt, các tranh chấp ở Biển Đông thu hút nhiều quan tâm của dư luận vì tính chất trọng tâm của chúng đối với an ninh lương thực và sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines, tâm lý chống TQ sâu sắc của đại đa số người dân Philippines và khả năng phục hồi của các liên kết thể chế với những đồng minh truyền thống, cụ thể là Mỹ.

Những quan điểm khác nhau

Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến mới nhất được công bố đầu tuần này, ông Ferdinand Marcos Jr., con trai của cố lãnh đạo Ferdinand Marcos, đang là người dẫn đầu cuộc đua vào điện Malacanang, hãng Reuters đưa tin. Dư luận Philippines hiện chú ý đến một sự việc đã xảy ra ở nước này vào cuối tháng trước. Các ứng viên tổng thống, trong đó có ông Marcos Jr., đã dành gần 2 giờ để thảo luận về các vấn đề an ninh quốc tế cấp bách nhất, bao gồm cuộc Đối thoại an ninh bốn bên (Quad), trong một cuộc tranh luận.

Ông Ferdinand Marcos Jr. và bà Leonor “Leni” Robredo - hai ứng viên đầu trong cuộc đua tranh cử tổng thống ở Philippines. Ảnh: MANILA BULLETIN

Các ứng viên phải đối mặt với sự chất vấn khó khăn của một hội đồng chuyên gia, trong đó học giả nổi tiếng Clarita Carlos gần như đã “dạy dỗ” các ứng viên về các sắc thái của chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, điểm nổi bật của cuộc tranh luận là thái độ cứng rắn của ông Marcos, một cựu thượng nghị sĩ, đối với TQ khi được hỏi về các tranh chấp ở Biển Đông. Ứng viên này hứa sẽ triển khai các tàu chiến của Philippines để “bảo vệ” ngư dân cũng như các quyền chủ quyền ở Biển Đông.

Trong khi đó, các ứng viên khác như đương kim Phó Tổng thống Leonor “Leni” Robredo - người đứng thứ hai trong cuộc thăm dò do hãng Pulse Asia thực hiện và Thượng nghị sĩ Emmanuel “Manny” Pacquiao thì ủng hộ tái khẳng định phán quyết có lợi cho Philippines tại Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) trong vụ kiện yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông, cũng như khôi phục quan hệ quốc phòng với các đồng minh truyền thống như Mỹ. Các ứng cử viên trung dung hơn như Thị trưởng Manila Francisco “Isko” Moreno và Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson lại hoan nghênh các thỏa thuận thăm dò chung với TQ ở các khu vực tranh chấp, đồng thời nhấn mạnh hiện đại hóa quân sự cũng như hiệp ước liên minh giữa Philippines với Mỹ.

Ba yếu tố định hình các lựa chọn chiến lược

Theo tạp chí The Diplomat, bất chấp quan điểm khác nhau của các ứng viên, có ba yếu tố cấu trúc sẽ định hình và hạn chế các lựa chọn chiến lược của vị tổng thống tiếp theo của Philippines.

Thứ nhất, TQ không được ưa chuộng ở Philippines. Theo cơ quan thăm dò của Cơ quan thăm dò thời tiết xã hội (SWS), xếp hạng tín nhiệm của TQ ở người Philippines chỉ ở mức tích cực tại chín trong số 53 cuộc khảo sát được thực hiện trong hai thập niên qua. Vào năm 2019, xếp hạng tín nhiệm của TQ đạt -33%, thua xa mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ (+72%) trong suốt nhiều năm. Dấu chân ngày càng mở rộng của TQ trên khắp các vùng biển của Philippines rõ ràng là động lực chính dẫn đến tâm lý chống Bắc Kinh của người Philippines. Những người dân Philippines bình thường đặc biệt xúc động trước những báo cáo và hình ảnh về những ngư dân Philippines phải đối mặt với sự quấy rối liên tục của lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu cá TQ.

Thứ hai, các vấn đề Biển Đông ngày càng là một vấn đề quan trọng đối với đa số người dân Philippines, những người đã nhận ra tầm quan trọng của vùng biển tranh chấp đối với nền kinh tế và an ninh lương thực của Philippines. TQ đã ngăn cản Philippines thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng và thủy sản ở một số vùng biển của Manila. Điều khiến nhiều người Philippines xa lánh chính là “cái bẫy cam kết” của Bắc Kinh, cụ thể là những lời hứa mà phần lớn chưa được thực hiện về các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhằm đổi lấy sự mặc nhận về địa chính trị của Tổng thống Rodrigo Duterte - người sẽ rời nhiệm sở vào tháng 6.

Cuối cùng, vị tổng thống tiếp theo của Philippines sẽ phải đối mặt với một bộ máy quốc phòng đầy quyền lực và lực lượng tinh nhuệ chiến lược, vốn cam kết thiết lập quan hệ quốc phòng mạnh mẽ với Mỹ và vẫn hoài nghi sâu sắc về ý định của TQ trong khu vực. Như học giả Richard Javad Heydarian phân tích trên The Diplomat, ông Duterte đã không “nắm” được Lực lượng vũ trang Philippines (AFP), vốn luôn nhấn mạnh cam kết bảo vệ các quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Điều này giải thích tại sao sáu năm trong nhiệm kỳ của ông Duterte, AFP vẫn chưa ký một thỏa thuận quốc phòng lớn nào với TQ. Trong khi đó, AFP thực sự đã mở rộng quan hệ quốc phòng với Mỹ, đồng thời cải thiện nhanh chóng khả năng phòng thủ bên ngoài của mình.

Vì những lý do nêu trên, theo học giả Heydarian, bất kỳ ai trở thành tổng thống tiếp theo của Philippines sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc khẳng định quyền chủ quyền của nước này ở Biển Đông, duy trì quan hệ quốc phòng bền chặt với phương Tây, đồng thời tiếp cận quan hệ song phương với TQ với sự khôn khéo hơn về mặt chiến lược, cũng như “trưởng thành hơn” so với người tiền nhiệm.•

Ông Duterte nói về “lời thì thầm nhắc nhở” của Trung Quốc

Tờ South China Morning Post ngày 9-3 đưa tin Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người sẽ rời nhiệm sở vào cuối tháng 6, vừa cho biết có một người “đến từ TQ” đã “nhắc nhở” ông rằng Philippines đừng quên tôn trọng sự hợp tác với TQ ở Biển Đông. Cụ thể, theo ông Duterte, người đến từ TQ đó nhắc rằng hai nước có một thỏa thuận về việc phát triển chung ở bãi Cỏ Rong (ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện do Philippines kiểm soát). Theo thỏa thuận này, Philippines và TQ đã nhất trí cùng hợp tác thăm dò mỏ dầu và khí đốt ở Biển Đông. “Một người đến từ TQ đã “thì thầm với tôi” rằng “chúng ta nên tuân theo các hợp đồng ban đầu của mình” - ông Duterte kể lại. Cũng theo ông Duterte, người đến từ TQ đó nói rằng “trong trường hợp bạn cử binh lính, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”. Ông Duterte cũng đưa ra quan điểm rằng đây là tình huống mà Philippines đã và nên cố gắng tránh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm