Tại sự kiện "Triển vọng thị trường" (Market Outlook) diễn ra ngày 16-10, ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, ngân hàng HSBC toàn cầu đã có những chia sẻ với phóng viên PLO về triển vọng kinh tế cũng như nhận xét về chính sách đối ngoại kinh tế của Việt Nam.
Theo chuyên gia HSBC, thách thức lớn nhất mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt chính trong năm 2025 là rủi ro thương mại toàn cầu chững lại. Căng thẳng thương mại toàn cầu và các biện pháp thuế quan sẽ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại của Việt Nam. Ngay từ hiện tại, đã có những dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất toàn cầu chững lại, đó là điều mà tất cả các bên đều phải cẩn trọng.
Chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, ngân hàng HSBC toàn cầu nhận xét một trong những yếu tố mà Việt Nam nổi bật so với các nền kinh tế khác trong Đông Nam Á chính là Việt Nam đã tham gia tích cực nhất vào các thỏa thuận thương mại tự do. Đây thực sự là một chiến lược rất tốt của Việt Nam để giúp mang lại nhiều lợi ích về thương mại.
Nổi bật nhất có thể kể đến Việt Nam có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, với châu Âu và tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Việc Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ với nhiều nước như vậy có thể coi như điểm mạnh rất lớn của Việt Nam.
Việt Nam đã rất giỏi trong việc duy trì mối quan hệ ngoại giao và kinh tế hài hòa nhưng vẫn khăng khít với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật và nhiều nước khác. Việc đa dạng hóa các mối quan hệ là chiến lược thực sự sáng suốt đặc biệt trong bối cảnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thực sự còn tầm ảnh hưởng mạnh mẽ như trước đây.
Chuyên gia HSBC khẳng định đánh giá cao chiến lược đối ngoại kinh tế thương mại của tất cả các nước Đông Nam Á thế nhưng Việt Nam là nước làm tốt nhất.
Tuần trước, HSBC nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam từ 6,5% lên 7%, lạc quan nhất trong các tổ chức quốc tế. Đây cũng là mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á mà ngân hàng HSBC đưa ra cho các nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 25 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2023. Vốn thực hiện ước trên 17,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 9%. Ông Frederic Neumann cho rằng FDI có vai trò tích cực và Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thu hút nguồn lực này.
Kinh tế trưởng châu Á - Thái Bình Dương HSBC khuyến nghị Việt Nam nên giữ vững sự cởi mở với đầu tư nước ngoài để tiếp tục "nổi bật hơn so với các nước".