Kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục chịu ảnh hưởng trầm trọng, kéo dài từ những gián đoạn đã xuất hiện trong thời kì COVID-19, cũng như từ bất ổn liên tục của địa chính trị toàn cầu.
Trong lúc đó, Việt Nam - nền kinh tế tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, một thị trường có độ mở lớn với 16 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và 3 hiệp định đang trong quá trình đàm phán.
Yếu tố này đã làm dày thêm mạng lưới thương mại của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng khiến Việt Nam trở nên dễ tổn thương hơn trước các biến động bên ngoài. Diễn biến nền kinh tế năm qua cho thấy điều đó.
Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Giữa thách thức toàn cầu, nhìn chung Việt Nam phần nào vẫn vững vàng và khá ổn định.
Hai điểm sáng nổi bật nhất trong năm qua của Việt Nam là: (1) Lãi suất tín dụng được kiểm soát, tạo mặt bằng lãi suất thấp hơn có giá trị hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, và nền kinh tế; (2) Nâng cấp quan hệ ngoại giao với các đối tác chiến lược, thúc đẩy triển vọng FDI trong thời gian tới.
Lãi suất hạ nhiệt trong nửa cuối năm
Đi vào cụ thể, lạm phát tăng cao trên toàn cầu đã khiến ngân hàng trung ương các nước liên tục nâng lãi suất điều hành bắt đầu từ quý 3/2021.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) có cách tiếp cận thận trọng hơn, với nỗ lực giữ nguyên lãi suất điều hành suốt 9 tháng đầu năm 2022, đề rồi sau đó mới theo xu hướng chúng, với 2 lần tăng lãi suất điều hành.
Và rồi, đến 15-3-2023, SBV thành một trong những ngân hàng trung ương châu Á đầu tiên mở đầu cho 4 đợt giảm lãi suất trong năm 2023, với 3 lần cắt giảm đầu tiên chỉ trong chưa đầy 3 tháng, mỗi lần 50 điểm cơ bản.
Chính sách điều hành này góp phần đưa mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, dần hạ nhiệt trong nửa cuối năm.
Cùng với đó, SBV đã kêu gọi các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại các khoản nợ, giãn các khoản vay và các khoản tiền phải thanh toán, kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Hướng điều hành này tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, nhất là ở giai đoạn tăng tốc sản xuất cuối năm.
Các chính sách này cũng đồng thời giúp dần gây dựng lại niềm tin đối với nền kinh tế, thị trường tài chính và bất động sản. Theo báo cáo mới nhất của SBV, tính đến ngày 13-12-2023, tín dụng tăng 9,87% - tương đối nhanh so với mức tăng trưởng 9,15% ghi nhận cuối tháng 11. Dù vậy vẫn còn thấp so với mục tiêu tăng trưởng tin dụng 14% cho cả năm.
Đối ngoại ấm áp trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu bất ổn
Củng cố, nâng cấp quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác lớn trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu bất ổn rõ ràng là điểm sáng của Việt Nam.
Chỉ trong vòng 4 tháng cuối năm, Việt Nam đã đón hàng loạt khách quý. Quan hệ với Mỹ, Nhật Bản được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ và Nhật Bản. Quan hệ với Trung Quốc – nền kinh tế láng giềng khổng lồ được củng cố sâu sắc hơn. Quan hệ truyền thống với các đối tác Nga, Hàn Quốc… được duy trì với các chuyến thăm. Tất cả đã củng cố hơn quan hệ vốn đã sâu sắc của Việt Nam với các đối tác thương mại quan trọng của mình.
Những thành tựu ngoại giao này được tin rằng sẽ dẫn đường cho các hợp tác thương mại tương lai, chuyển giao công nghệ cũng như thúc đẩy nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Nhà đầu tư từ các quốc gia này giờ đây có thể tiếp cận các cơ hội mới tại Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như chất bán dẫn, công nghệ thông tin, bán lẻ và dịch vụ tài chính.
Xu hướng ấy đã bộc lộ phần nào từ chính dòng vốn FDI vẫn đổ vào ASEAN trong năm qua, dù triển vọng thương mại toàn cầu không được sáng sủa. Riêng Việt Nam, tính đến cuối tháng 11, tổng vốn FDI đăng kí đạt hơn 28 tỷ USD. Đặc biệt, FDI đăng ký trong lĩnh vực sản xuất đã vượt 14,3 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong những năm gần đây.
Môi trường kinh tế ổn định, lợi thế về chi phí lao động, năng lực sản xuất ngày càng tăng trên nền tảng quan hệ quốc tế sâu sắc là những yếu tố làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại đây, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có niềm tin về sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Triển vọng 2024
Vượt qua những thách thức năm cũ, 2024 sẽ tiếp tục là thời gian để Việt Nam phục hồi và khởi sắc.
Sau thời gian nửa đầu năm 2023 tăng trưởng dưới 4% - mức thấp so với cùng kỳ, kinh tế Việt Nam quý 3 vừa qua đã chứng kiến sự hồi phục với tăng trưởng ở mức 5,3%, đi cùng những dấu hiệu cải thiện ban đầu của thương mại.
Tháng 11 vừa qua là tháng thứ ba liên tiếp Việt Nam chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực mới có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu như nông sản cũng tiếp tục cho thấy sự cải thiện đáng kể về những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, trong khi các lô hàng điện tử đang giúp xuất khẩu dần hồi phục thì dệt may và da giày vẫn đang gặp khó. Vậy nên, cần thêm thời gian để có thể chứng kiến sự phục hồi thương mại trên diện rộng.
Doanh số bán lẻ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu dịch vụ ổn định. Các mặt hàng lâu bền như ô tô, vẫn chịu áp lực khi cầu giảm, nhưng du lịch nội địa và quốc tế tiếp tục phục hồi, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong 11 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng như vậy là thấp hơn năm trước nhưng đà tăng là ổn định, đánh dấu giai đoạn khó khăn của ngành bán lẻ đã đi qua. Diễn biến này sẽ rõ hơn vào mùa mua sắm cuối năm, trước Tết Nguyên đán, cho thấy tiềm năng của thị trường tiêu dùng trong nước.
Từ các tác động của tất cả các yếu tố đã được nhận diện, phân tích, ở thời điểm này có thể đặt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tăng trưởng ở mức 6%, với dự báo lạm phát được kiểm soát tốt, và mặt bằng lãi suất điều hành thời gian tới được giữ nguyên.
(Phân tích của chuyên gia Ngô Đăng Khoa – Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam thực hiện theo đề nghị của PLO)