Việt Nam có thể hợp tác, khai thác thế mạnh kinh tế của Trung Quốc

(PLO)- Hợp tác chuyển đổi xanh và phát triển cơ sở hạ tầng được coi là lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam có thể tăng cường hợp tác cùng Trung Quốc trong thời gian tới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Việt Nam (VN) - Trung Quốc (TQ) luôn chú trọng phát triển quan hệ song phương về kinh tế - thương mại. Đặc biệt lĩnh vực hợp tác chuyển đổi xanh và hạ tầng là điều hai bên hướng tới trong tương lai.

Hợp tác chuyển đổi xanh

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nhận định rằng VN và TQ đều có vị trí rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hợp tác kinh tế trong thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, khi VN nỗ lực bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.

Cũng theo TS Giang, thời gian tới, TQ có thể tận dụng thế mạnh của mình là nước đi đầu về năng lượng tái tạo, hỗ trợ VN nhiều hơn trong quá trình chuyển đổi xanh và trung hòa carbon.

TQ trong những năm gần đây đã rất nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong nước. Theo hãng tin Al Jazeera, TQ đang vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo và xây dựng các hệ thống năng lượng mặt trời.

Theo chuyên trang Global Energy Prize, kết quả sơ bộ năm 2023 một lần nữa chứng minh rằng TQ là một trong những nước đi đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023, TQ đã đưa vào sử dụng 190 GW năng lượng tái tạo, tăng gần 91% so với cùng kỳ năm 2022.

Việt Nam có thể hợp tác, khai thác thế mạnh kinh tế của Trung Quốc
Chuyến hàng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Còn theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng quốc gia TQ, công suất của các nhà máy điện dựa trên nguồn năng lượng tái tạo ở TQ là khoảng 1,4 terawatt (TW), chiếm tỉ trọng 49,9% nguồn cung cấp điện của TQ. Trong đó, nguồn năng lượng khai thác từ mặt trời chiếm tỉ trọng lớn nhất, thứ hai là các nhà máy thủy điện, thứ ba là tuabin gió với tổng công suất lần lượt là 536 GW, 420 GW và 404 GW.

“TQ hiện là nước đi đầu cả về công nghệ lẫn nguồn tài chính phát triển lĩnh vực này. Tăng cường hợp tác với TQ trong các lĩnh vực phù hợp sẽ giúp VN giải quyết được hai vấn đề lớn nhất trong quá trình chuyển đổi xanh là tài chính và công nghệ” - TS Giang nhận định.

Kết nối giao thông giữa hai nước

Với các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như VN, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, một trong những điều kiện tiên quyết là phải đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. TQ trong những năm gần đây cũng tích cực hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng hạ tầng đường sắt. Các dự án này nằm dưới sự bảo trợ của sáng kiến “​​Vành đai và con đường” (BRI) mà Bắc Kinh kích hoạt năm 2013.

ASEAN đã tận dụng sáng kiến ​​này và tăng cường hợp tác với TQ trong các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông khác nhau, điển hình có các dự án lớn như đường sắt TQ - Lào, đường sắt TQ - Thái Lan, đường sắt Bờ Đông Malaysia...

TQ cũng có thế mạnh rất lớn về xây dựng hạ tầng giao thông. Theo đài CGTN, chiều dài đường sắt của TQ đã tăng từ 50.000 km từ năm 1978 lên 130.000 km vào năm 2018. Cùng giai đoạn, đường cao tốc của nước này cũng tăng từ 120.000 km lên 4,05 triệu km. Chỉ trong năm 2018, Chính phủ TQ đã xây dựng, cải tạo khoảng 8.172 km đường nông thôn tại tỉnh Quý Châu (tỉnh duy nhất của TQ không có đồng bằng). Tỉnh này hiện còn có hơn 20.000 cây cầu kết nối giao thông trên núi.

Với những gì TQ thực hiện được về cơ sở hạ tầng giao thông, VN hoàn toàn có thể hy vọng về sự hợp tác và hỗ trợ của TQ trong lĩnh vực này. Trên thực tế, hợp tác về xây dựng hạ tầng giao thông giữa hai nước trước nay có nhiều bước tiến vượt bậc, điển hình là sự hỗ trợ về vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ TQ để xây dựng dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Bàn về cơ hội hợp tác, xúc tiến hợp tác về lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông giữa hai nước trong thời gian tới, TS Giang nhận định về trung hạn có thể ưu tiên kết nối đường sắt giữa hai nước, từ đó gắn hệ thống hạ tầng giao thông của VN với hệ thống hạ tầng giao thông của TQ.

“Các dự án đầu tư theo sáng kiến “Vành đai và con đường thế hệ mới” (vốn ưu tiên các dự án quy mô vừa và nhỏ) có thể là bước đột phá trong hợp tác phát triển hạ tầng giữa hai nước” - TS Giang nhận định.

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc rất nổi bật

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tổng Lãnh sự TQ tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường nhận định thương mại TQ - VN rất nổi bật dù tình hình thế giới đang phức tạp và nhiều thay đổi.

Nền kinh tế giữa hai nước TQ - VN có mối liên hệ chặt chẽ, bổ sung cao, lợi ích ngày càng mật thiết, quan hệ kinh tế, thương mại phát triển có những lợi thế riêng, tiềm năng to lớn và triển vọng tươi sáng.

Ông Ngụy Hoa Tường cũng nhấn mạnh năm nay kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa TQ và VN, dưới sự chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư TQ Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ giữa hai nước TQ - VN tiếp tục sâu sắc và thực tế hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm