Chính sách mới có hiệu lực thi hành trong tháng 3-2017

Cứu người trước, thu tiền sau
Từ 1-3, các cơ sở y tế tiếp nhận người bị tai nạn giao thông sau khi sơ cứu, cấp cứu người bị nạn, cơ sở y tế mới được thực hiện thu phí vận chuyển người bệnh, phí sơ cứu, cấp cứu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nếu như người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế.
Các cơ sở y tế phải tổ chức kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tai nạn. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, phải chuyển người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng chuyên môn phù hợp để điều trị tuy nhiên vẫn phải sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc người bệnh cho đến khi được chuyển đi.
(Thông tư 49/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu tai nạn giao thông trên đường bộ cao tốc, có hiệu lực từ 1-3).
Không tính tiền chậm nộp thuế
Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không nộp thuế đúng thời hạn, dẫn đến nợ thuế thì không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế và không phải nộp tiền chậm nộp thuế tính trên số tiền thuế còn nợ, nhưng không vượt quá số tiền ngân sách Nhà nước chưa thanh toán.
Cơ quan thuế có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, nếu phát hiện người nộp thuế đã được đơn vị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thanh toán nhưng không nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước thì ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp.
(Thông tư 06/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34a Thông tư 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 6-3).
Không được vay ngân hàng để mua vàng
Từ 15-3, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vay vốn như: Để mua vàng miếng; Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm; Để trả nợ khoản nợ vay tài chính mà tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình; Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác…
Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay, mà không có mức trần lãi suất cho vay cụ thể như trước đây.
Với trường hợp vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam, tổ chức tín dụng và khách hàng cũng được thỏa thuận về lãi suất nhưng không vượt quá lãi suất cho vay tối đa do Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
(Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có hiệu lực từ ngày 15-3).
Người Việt được đặt cược bóng đá quốc tế
Từ 31-3, người Việt được đặt cược bóng đá quốc tế tối đa 1 triệu. Người chơi phải đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Người chơi phải xuất trình giấy tờ cá nhân để chứng minh thuộc đối tượng được phép tham gia đặt cược khi doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu. Mức đặt cược tối thiểu cho một lần đặt cược là 10 nghìn đồng, tối đa là 1 triệu đồng.
Theo quy định, bóng đá quốc tế là những trận đấu, giải thi đấu bóng đá được tổ chức bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc được các tổ chức quốc tế đứng ra tổ chức trong lãnh thổ Việt Nam. Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược mới được kinh doanh đặt cược.
(Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về việc kinh doanh, quản lý hoạt động kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, có hiệu lực ngày 31-3.)
Thu nhập 10 triệu được đánh bạc trong casino
Từ 15-3, sẽ thí điểm cho phép người Việt Nam được vào chơi tại điểm kinh doanh casino. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày doanh nghiệp kinh doanh casino đầu tiên được phép thí điểm cho phép người Việt Nam chơi tại điểm kinh doanh casino.
Để được vào chơi tại điểm kinh doanh casino, người Việt Nam phải là người đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Không thuộc đối tượng bị người thân trong gia đình là bố, bố nuôi, mẹ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con ruột hoặc bản thân có đơn đề nghị doanh nghiệp kinh doanh casino không cho phép chơi tại Điểm kinh doanh casino;
Người chơi phải chứng minh được có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên hoặc thuộc diện chịu thuế từ bậc 3 trở lên; phải mua vé tham gia chơi với mức vé 1 triệu đồng/24 giờ liên tục/người hoặc 25 triệu đồng/tháng/người…
(Nghị định 03/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh casino, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3.)
Truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật chứng bị mất
Vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự phải được bảo quản an toàn và được xử lý kịp thời, theo quy định của pháp luật.
Mọi hành vi xâm phạm, phá hủy niêm phong, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, thêm bớt, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại và các hành vi khác làm hư hỏng hoặc thay đổi hiện trạng vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự đều bị xử lý theo quy định.
Khi phát hiện vật chứng, tài sản tạm giữ đang lưu giữ, bảo quản tại kho vật chứng bị mất, hư hỏng, không còn giá trị, biến chất nguy hiểm, có thể gây mất an toàn thì phải làm rõ trách nhiệm và phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra; xác minh làm rõ và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét, xử lý kỷ luật hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm nếu vật chứng, tài sản tạm giữ bị mất. Trường hợp tang vật, tài sản tạm giữ bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng thì thực hiện tiêu hủy.
(Thông tư 01/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự; có hiệu lực từ ngày 15-3).
Xem thêm: Chính sách mới có hiệu lực thi hành trong tháng 3-2017

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới