Chính thức đình chỉ vụ 'hiệp sĩ' bắt cướp nhầm

Nguồn tin từ VKSND TP.HCM cho biết cơ quan tố tụng quận Tân Bình, TP.HCM đã chính thức đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với Phạm Lương Phát Minh, 26 tuổi, người bị các “hiệp sĩ” bắt nhầm. Theo đó, CQĐT Công an quận Tân Bình đã đình chỉ do hết thời hạn điều tra vụ án nhưng không chứng minh được Minh đã thực hiện hành vi phạm tội (cướp giật tài sản). Quyết định này đã được VKSND quận Tân Bình kiểm sát và thống nhất.

Mẹ của Phạm Lương Phát Minh đến báo Pháp Luật TP.HCM kêu cứu khi Minh bị khởi tố, tạm giam. Bằng niềm tin của người mẹ, bà cho rằng con mình bị oan. Ảnh: PL 

Viện trưởng chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm

Vụ án này xuất phát từ chuyện các “hiệp sĩ” bắt cướp giật nhưng sau đó cơ quan tố tụng quận Tân Bình không kết án được. Tuy nhiên, qua bốn năm, các cơ quan tố tụng vẫn không giải quyết dứt điểm, Phạm Lương Phát Minh vẫn mang thân phận bị can. Cha mẹ Minh đến báo Pháp Luật TP.HCM trình bày nỗi oan ức của con mình. Báo đã nhiều lần phản ánh rồi chuyển lời kêu oan của Minh đến tận Viện trưởng VKSND TP.HCM Dương Ngọc Hải.

Từ khi được chánh án TAND quận Tân Bình ký lệnh cho tại ngoại từ tháng 7-2017, Minh mong ước đi học lại, được đi làm nhưng do mặc cảm nên Minh chỉ quanh quẩn trong nhà. Trong 18 tháng bị cấm đi khỏi nơi cư trú, Minh phụ giúp cha làm công việc in tại nhà. Số phận pháp lý lửng lơ nên Minh không thể xin việc làm ở nơi khác. Cha mẹ Minh đến gõ cửa các cơ quan để vụ án sớm được giải quyết đúng pháp luật.

Tại hội nghị triển khai công tác ngành năm 2019, ông Dương Ngọc Hải đã chỉ đạo cấp dưới phải kiểm tra, giải quyết dứt điểm trước Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 các vụ án tồn đọng kéo dài, trong đó có vụ án của Minh. Đến nay, vụ án đã được giải quyết dứt điểm, đúng theo chỉ đạo của ông Hải. Đó là nếu không đủ chứng cứ kết tội thì cơ quan tố tụng cần thừa nhận đã làm oan và phải xin lỗi công khai, bồi thường oan, đồng thời xử lý cán bộ làm oan.

Cha mẹ Phạm Lương Phát Minh (trái) đã cùng luật sư gõ cửa các cơ quan để vụ án sớm được giải quyết đúng pháp luật. Ảnh: PL

Trách nhiệm của người làm oan

Do CQĐT Công an quận Tân Bình đã đình chỉ vì hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được Minh có hành vi phạm tội nên theo Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đây thuộc trường hợp phải bồi thường oan.

Về trách nhiệm bồi thường, ThS Nguyễn Trương Tín (ĐH Luật TP.HCM) cho rằng: VKSND quận Tân Bình là cơ quan đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giam, quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung (sau đó CQĐT đã ra quyết định đình chỉ điều tra vì không chứng minh được tội phạm…). “Vì vậy, theo Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì VKSND quận Tân Bình là cơ quan có trách nhiệm xin lỗi, bồi thường oan” - ThS Tín nói.

Theo Điều 56 luật này thì Minh sẽ được phục hồi danh dự bằng cách: VKS trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú. Ngoài ra, VKS Tân Bình còn phải đăng báo xin lỗi và cải chính công khai. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (quyết định đình chỉ), VKS Tân Bình phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Minh về việc Nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự. Trường hợp Minh đề nghị chưa thực hiện phục hồi danh dự thì việc phục hồi danh dự được thực hiện khi Minh có yêu cầu bằng văn bản.

Tuy nhiên, theo những thông tin mà chúng tôi thu thập được, có thể có trường hợp Minh từ chối quyền được phục hồi danh dự. “Việc từ chối phải thể hiện bằng văn bản, nếu Minh từ chối quyền được phục hồi danh dự bằng lời nói thì VKS phải lập biên bản ghi rõ việc từ chối quyền được phục hồi danh dự của Minh (có chữ ký của Minh).

Tuy nhiên, dù Minh có từ chối quyền được phục hồi danh dự do bất kỳ lý do gì thì trách nhiệm người làm oan cũng không bị loại trừ. “Kể cả vì lý do nào đó Minh vui vẻ từ chối xin lỗi, bồi thường oan thì trách nhiệm người làm oan vẫn phải được đặt ra” - ThS Nguyễn Trương Tín bình luận.

 
Bài học kinh điển trong vụ ‘hiệp sĩ’ bắt cướp nhầm
Lời khai nhận tội ban đầu cùng các cáo buộc của cơ quan tố tụng thì chiếc bóp có dây đeo, trong khi thực tế chiếc bóp của người được cho là bị hại thì không hề có dây.
Vụ án nêu trên thường được dân hành nghề luật đem ra luận bàn, rút kinh nghiệm. Với cơ quan tố tụng thì bài học kinh nghiệm rút ra là: Việc điều tra, truy tố phải xem xét cẩn thận, khách quan và toàn diện, tránh bỏ lọt chi tiết dù nhỏ nhặt nhất của vụ án. Chi tiết nhỏ trong vụ án này chính là đặc điểm của cái bóp (ví).
Lời khai nhận tội ban đầu cùng các cáo buộc của cơ quan tố tụng thì chiếc bóp có dây đeo, trong khi thực tế chiếc bóp của người được cho là bị hại thì không hề có dây. Đây chính là một trong những chứng cứ sống động, thuyết phục để cơ quan điều tra không thể buộc tội được Phạm Lương Phát Minh. Và nhờ vậy Minh được đình chỉ điều tra và minh oan.

Chính thức đình chỉ vụ 'hiệp sĩ' bắt cướp nhầm ảnh 3
Phạm Lương Phát Minh sau khi được tại ngoại. Ảnh: PL

Vụ án khởi sự từ tối 30-8-2015 khi Minh cùng một người bạn tên Diệp Diệu Vinh đang đi trên đường Đông Hồ, phường 8, quận Tân Bình. Lúc này có một nhóm “hiệp sĩ” yêu cầu cả hai dừng xe và ngay lập tức Vinh và Minh bị trói tay lại. Khi về công an phường, Minh mới biết mình bị bắt vì tình nghi cướp giật tài sản là cái bóp của một người đi đường.
Minh trình bày với công an rằng trên đường, xe của Vinh chạy cùng chiều với một xe Nouvo, bất ngờ xe Nouvo rẽ trái mà không bật đèn xi nhan, V inh điều khiển xe lách qua. Minh ngồi sau, theo phản xạ để giữ thăng bằng nên tay phải bám vào baga sau của xe Nouvo. Minh nói Minh không trộm cắp của ai nhưng không ai tin. Riêng Vinh, người đi chung với Minh thì được thả ngay từ đầu.
“Sau đó em được chuyển về công an quận. Điều tra viên hỏi em những câu mà em không biết trả lời: Ai là người rủ đi cướp giật? Ai là người thấy tài sản? Ai là người thực hiện hành vi? Em trả lời không thấy, không biết và không thực hiện nhưng điều tra viên không chấp nhận câu trả lời của em. Buổi làm việc diễn ra khá lâu và em khóc rất nhiều vì không biết làm cách nào để chứng minh mình vô tội. Lúc này em chỉ muốn được gặp ba mẹ và được về nhà thôi. Em được hứa là nếu nhận tội sẽ được gặp ba mẹ, sẽ được xử nhẹ, xử án treo nên em ghi theo. Lời khai nhận tội đó ghi là em giật bóp không được do vướng dây vào xe” - Minh kể.
Có được lời khai nhận tội của Minh cùng lời khai của những “hiệp sĩ” cho rằng trực tiếp nhìn thấy Minh giật cái bóp nhưng vướng dây nên giật hụt, CQĐT và VKS thống nhất khởi tố rồi truy tố. T AND quận Tân Bình năm lần bảy lượt đưa vụ án ra xét xử nhưng đều không kết tội được.
“Trong thời gian đợi ra tòa, em nghĩ nếu nhận tội như vậy thì sau này mọi người trong gia đình và bạn bè sẽ không tin tưởng mình nữa nên khi ra tòa em đã không khai như lời khai mà điều tra viên đọc cho em ghi. Em chỉ khai nhận sự thật lúc đó là em không hề giật đồ của ai hết. Sau này điều tra bổ sung, trưng cầu vật chứng thì mới biết cái bóp đó không có dây. Chị bị hại và người chở chị cùng xác nhận với công an là trước và sau sự việc, chiếc bóp vẫn trong hộc xe” - Minh kể.
Người phụ nữ bị hại cũng khẳng định rằng chị “không la cướp, không bị mất gì”, cái bóp của chị không có dây chứ không phải là “Minh không giật được là do vướng dây vào xe”.
PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm