Tại buổi họp báo về hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2020 do Bộ KH&ĐT tổ chức, Pháp Luật TP.HCMđặt câu hỏi về niềm tin kinh doanh và dòng tiền cho doanh nghiệp hậu COVID-19. Đặc biệt, có trường hợp tiêu biểu về một doanh nghiệp tại Hà Nội hồi đầu năm 2020 đã đăng ký thành lập doanh nghiệp với số vốn lên tới 144.000 tỉ đồng.
Thông tin này là một điều ngạc nhiên với báo chí và các cơ quan quản lý kinh doanh lúc đó. Bởi nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam lúc đó cũng không đạt được số vốn lớn như vậy.
Cụ thể, ngày 17-1, Công ty CP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) được thành lập với mức vốn điều lệ "không tưởng" lên đến 144.000 tỉ đồng, tức hơn 6 tỉ USD.
Đây là mức vốn điều lệ lớn thứ ba cả nước, chỉ sau PVN, EVN và tương đương tổng vốn điều lệ của bốn ngân hàng nhà nước lớn nhất là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank cộng lại. Thậm chí còn lớn hơn vốn điều lệ của Viettel, hiện đạt xấp xỉ 141.000 tỉ đồng.
Trả lời vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, cho hay: Ngay sau khi USC Interco được đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý đã chủ động cung cấp thông tin và báo chí cũng đưa tin rất nhiều. “Điều này thể hiện việc giám sát cộng đồng là rất tốt, rất sâu sát”.
Theo ông Tuấn, qua thực tế theo dõi, Cục Đăng ký kinh doanh đã chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh của thành phố Hà Nội kiểm tra doanh nghiệp này. Sau đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã vào cuộc xác minh.
Theo đó, cơ quan này đã xác định được chủ doanh nghiệp USC Interco đã sử dụng căn cước công dân giả để đăng ký doanh nghiệp. Ngày 14-4, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội đã thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đã cấp cho USC Interco, chính thức “khai tử” doanh nghiệp này.
“Mọi thủ tục liên quan chúng tôi đều theo đúng quy định pháp luật” - ông Tuấn khẳng định.