Đại diện Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT đã phải thốt lên như vậy khi trao đổi về thông tin một doanh nghiệp ở Hà Nội hồi tháng 1 đã đăng ký với vốn điều lệ 144.000 tỉ đồng. Bởi theo báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1-2020, thì chỉ riêng vốn đăng ký của doanh nghiệp này đã chiếm tới 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước.
Tuy việc đăng ký vốn điều lệ 144.000 tỉ đồng của doanh nghiệp diễn ra từ ngày 17-1 tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội nhưng mãi hôm nay (26-2), thông tin này mới “rộn ràng” trên báo chí. Doanh nghiệp này được xác định là Công ty CP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco). Trụ sở của công ty nằm trong một con ngõ 234 Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.
Con ngõ ở đường Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội nơi USC Interco đăng ký trụ sở. Ảnh: THANH HÀ/ BizLIVE
Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979. Công ty này có ba cổ đông, bao gồm ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phương, mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỉ đồng, cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỉ đồng.
Nếu tất cả thông tin trên là đúng sự thật thì đúng như Cục Đăng ký kinh doanh nhận định: Quá tốt.
Quá tốt là bởi vì điều này đúng như Thủ tướng cũng như nhiều lãnh đạo đã từng khẳng định nhiều lần: Nguồn lực trong dân là rất lớn. Quá tốt là bởi vì một khi có người bỏ ra nguồn lực khổng lồ như vậy để kinh doanh thì chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng đã được cải thiện rất nhiều. Nếu không an tâm thì người dân đã không bỏ ra một số vốn rất lớn như vậy mà có thể chỉ gửi ngân hàng cũng đã khá khẩm.
Nếu 144.000 tỉ đồng nói trên của Công ty USC Interco sẽ thành “tiền tươi thóc thật” sau 90 ngày kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp thì chắc chắn số tiền đó sẽ thúc đẩy thị trường rất lớn. Sẽ có hàng ngàn công việc mới được tạo ra và đồng nghĩa là hàng ngàn người tránh được thất nghiệp.
Nên nhớ theo hồ sơ, USC Interco đăng ký các ngành nghề kinh doanh là xây dựng nhà để ở, xây dựng nhà không để ở, công trình đường sắt, đường bộ, công trình điện, công trình cấp thoát nước, công trình viễn thông, công trình công ích…
USC Interco cũng không quên đăng ký xây dựng công trình thủy, công trình khai khoáng, công trình chế biến - chế tạo. Ngoài ra còn có bán lẻ đồ điện gia đình, giường tủ, bàn ghế, đồ nội thất, đèn…; kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, xe buýt, taxi, vận tải hàng hóa…
Thậm chí, họ còn đăng ký cả lĩnh vực giáo dục từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, trung cấp, đại học và thạc sĩ; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế; đăng ký hoạt động của các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa…
Tổng cộng USC Interco đăng ký 59 ngành nghề kinh doanh.
Như thế có nghĩa là nếu 144.000 tỉ đồng được “ném” vào nền kinh tế thì sẽ có 59 ngành nghề có điều kiện để phát triển vì có nhà đầu tư “tiền tươi thóc thật”, không phải “tay không bắt giặc”. Những khó khăn về vốn đầu tư của cả nền kinh tế hoặc ít nhất là ở Hà Nội sẽ có giải pháp tài chính thật.
Cũng nên lưu ý rằng: 144.000 tỉ đồng mà USC Interco đăng ký bằng tổng vốn điều lệ của bốn ngân hàng nhà nước lớn nhất là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank cộng lại. Với 144.000 tỉ đồng, nếu ba cổ đông của USC Interco góp đúng thời hạn thì doanh nghiệp này sẽ vươn lên đứng trong top 3 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỉ đồng. USC Interco sẽ “sánh vai” với các ông lớn như PVN, EVN và đẩy cả Viettel xuống. Vì Viettel chỉ có vốn điều lệ… 141.000 tỉ đồng.
Đương nhiên Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT nhận thấy điều này là bất thường. Nhưng đại diện cơ quan này dù sao cũng rất hy vọng khi nói: “Còn nếu họ góp vốn đúng được theo cam kết thì tốt quá”. Và thật ra cũng cần lưu ý rằng nếu gần hết thời hạn góp vốn như đăng ký mà ba cổ đông trên không góp đủ vốn, họ hoàn toàn có thể đăng ký lại vốn điều lệ theo quy định.
Nhưng với tình hình hiện nay, dù còn những ngỡ ngàng, thậm chí là nghi ngờ nhưng hầu như ai cũng mong muốn số 144.000 tỉ đồng sẽ trở thành sự thật.