Chịu không siết với đủ thứ phí

Không chấp nhận tùy tiện

Nhà tôi có sáu người, mỗi tháng phải trả tiền điện hơn 400.000 đồng, tiền xăng hơn 2 triệu đồng, tiền nước 290.000 đồng… Đây là những khoản tiền mà chúng tôi bắt buộc phải chi trả chứ không thể làm khác hơn. Theo thông tin trên báo chí, bốn doanh nghiệp đầu mối đang xin tăng giá xăng dầu. Nếu ngành điện, công ty cấp nước cũng đòi tăng giá thì điều gì sẽ xảy ra với những gia đình thu nhập trung bình như chúng tôi, bởi lẽ giá cả các mặt hàng tiêu dùng đang tăng vùn vụt mà tiền lương, thu nhập của chúng tôi đứng yên một chỗ? Hỏi vậy để thấy rằng đề xuất mới đây của Bộ Công Thương về việc thu phí điều tiết điện lực để thu hút cán bộ giỏi cho ngành mình là rất vô lý, không thể chấp nhận.

Theo bộ này, việc “đẻ” ra phí điều tiết điện lực nhằm để bù chi phí cho công tác quản lý điều tiết hoạt động điện lực. Đã là hoạt động nội bộ thì mỗi ngành, mỗi cơ quan nên tùy vào điều kiện kinh tế, đặc thù lĩnh vực mà có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài cho cơ quan mình. Nói nôm na là họ phải tự tính chứ không thể bắt dân đóng phí để kiếm người giỏi cho họ. Cụ thể, nếu biết quản lý, điều hành thì từ khoản tiền bán điện, ngành điện có thể trích phần nào đó để dành cho việc thu hút nhân tài.

HUỲNH KIM ANH (Cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Thêm phí người dân lại khổ

Mấy năm trở lại đây, hầu như các mặt hàng đều tăng vọt. Nào là tăng giá điện, xăng, gas… nên khó khăn lắm những người lao động mới có thể sống nổi. Cách đây hai năm, với tiền lương 3 triệu đồng/tháng tôi có thể trang trải cho cuộc sống gia đình, lo cho con đi học. Giờ tuy lương có tăng lên chút đỉnh nhưng người tằn tiện như tôi vẫn không thể xoay sở được nên tôi phải tạm gửi con về quê sống với ông bà nội.

Chịu không siết với đủ thứ phí ảnh 1

Thêm phí điều tiết điện, người lao động lại thêm gánh nặng khi đóng tiền điện. Ảnh: HTD

Tôi không đồng ý với việc hở chút là bắt dân đóng phí. Mong là sau vụ Bộ Công Thương bị UBTV QH bác đề xuất thu phí điều tiết điện lực, các bộ khác nên rút kinh nghiệm để không còn những đề xuất “hại dân” như thế.

NGUYỄN CẨM VÂN (Cần Đước, Long An)

Tránh “trào lưu thu phí”

Pháp lệnh Phí và lệ phí đã nêu rõ: Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục Phí và lệ phí. Thế nên, việc thu phí chỉ được thực hiện theo danh mục chứ không được “vẽ” thêm các khoản phí khác để thu.

Khi được tuyển dụng, các cán bộ được nhận lương để thực hiện các công việc theo chức trách của mình. Chính đồng lương đó cũng được lấy từ tiền thuế của người dân để chi trả. Thế nên, không thể nói rằng họ đứng ở vị trí đó thì có quyền lãnh lương và người dân phải trả thêm các khoản phí khác rồi mới làm việc. Chẳng hạn, người bán vé tàu hỏa được trả lương để ngồi bán vé, thì họ không được đòi hỏi thêm bất kỳ khoản phí nào nữa của người mua vé.

Nếu cứ nghĩ theo cách “lấy phí bù lương” như đề xuất của Bộ Công Thương thì ngành nào cũng có lý do để thu phí và rồi “trào lưu thu phí” sẽ đổ dồn vào đầu người dân.

Tiến sĩ NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam

MINH PHONG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm