Chịu thiệt vì không hợp đồng lao động

Khi thỏa thuận nhận việc, nhiều người đã bỏ qua việc ký kết hợp đồng lao động. Đến khi có tranh chấp, người lao động phải chịu thiệt thòi bởi cơ quan chức năng sẽ không biết căn cứ vào đâu để giải quyết quyền lợi cho họ.

“Năm 2008, công ty tuyển tài xế trên mạng. Tôi nộp đơn và được nhận, lương 5 triệu đồng/tháng. Tôi phải chạy vòng vòng thành phố giao hàng bằng xe của công ty, có khi đến 2 giờ sáng mới xong. Ngày đó tôi vừa mới xa quê mưu sinh, xin được việc là mừng lắm rồi, chỉ một lòng một dạ chăm chỉ làm việc. Sau ba tháng thử việc, tôi đề nghị ký hợp đồng thì giám đốc nói cứ yên tâm, chị ấy đang làm. Cứ thế năm năm trôi qua, công ty không ký với tôi hợp đồng lao động nào. Tôi cũng không được hưởng chế độ dành cho người lao động theo quy định”. Anh Nguyễn Văn Tám trình bày trong phiên xử vụ tranh chấp lao động giữa anh và một công ty TNHH tại TAND quận Tân Bình (TP.HCM).

Theo anh Tám, công ty có cho anh mượn 9 triệu đồng để mua xe máy (số tiền này trừ dần vào lương, anh đã trả xong). Từ đó công ty bảo anh giao hàng bằng xe máy nhưng lại không trả thêm tiền xăng. Hàng chở rất cồng kềnh nhưng nếu bị phạt thì anh phải tự chịu. Khi anh nhắc chuyện ký hợp đồng, đòi thêm tiền xăng, tiền làm thêm giờ thì bị cho nghỉ việc. Anh đòi tiền lương tháng cuối cùng nhưng không được. Giấy tờ xe cũng bị giữ luôn. Sau đó công ty còn gửi văn bản yêu cầu công an không cấp mới giấy tờ xe máy cho anh.

Anh kiện công ty đòi bồi thường gần 96 triệu đồng. Chứng cứ anh giao nộp cho tòa có bộ đồ đồng phục công ty, một quyết định phạt hành chính về vi phạm giao thông lúc anh đang sử dụng xe của công ty đi giao hàng và văn bản của công ty gửi Công an tỉnh Đồng Tháp để ngăn chặn việc cấp mới giấy tờ xe máy cho anh. Đáng lưu ý là trong văn bản đó có đoạn: “Trong thời gian làm việc tại công ty, công ty đã cho ông Tám mượn 9 triệu đồng để mua xe…”.

Trong khi đó, trình bày tại tòa, phía công ty cho rằng anh Tám không phải nhân viên công ty. Danh sách đăng ký lao động chỉ có hai người - một giám đốc và một kế toán. Công ty không cần tuyển tài xế vì chồng của giám đốc biết lái xe. Chỉ khi nào cần giao hàng thì mới gọi anh và trả tiền từng ngày. Giao hàng bằng xe tải trả 80.000 đồng/ngày, giao hàng bằng xe máy trả 150.000 đồng/ngày.

Trước lập luận này của công ty, anh Tám buồn bã nói: “Nếu tôi chỉ là lao động thời vụ, công ty không nắm gốc gác, lý lịch của tôi thì sao dám giao cho tôi khối tài sản lớn như vậy (chiếc xe ô tô và chiếc xe tải để chở hàng đi giao)”.

Tuy nhiên, sau khi xem xét, tòa đã bác hết yêu cầu của anh với nhận định những chứng cứ mà anh xuất trình không có cơ sở để chứng minh anh đã làm việc cho công ty năm năm. Bảng lương sáu tháng đầu năm 2013 mà công ty giao nộp cũng không có tên anh...

PHƯƠNG LOAN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm