Cho bạn mượn xe gây tai nạn tử vong ở Hà Nam, tại sao chủ xe lại bị khởi tố?

(PLO)- Luật sư phân tích chi tiết vụ tai nạn do cho bạn mượn xe khiến một người tử vong, nguyên nhân người cho mượn xe bị khởi tố.  

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin vụ việc, vào ngày 23-12-2023, Trần Văn Dũng (sinh năm 2004) uống rượu cùng Nguyễn Ngọc H. (SN 2007) và 4 người khác. Sau đó, H. mượn xe máy Yamaha Exciter, không mang biển kiểm soát của Dũng đi đón bạn. H điều khiển xe máy đi không đúng phần đường quy định đã tự đâm vào gốc cây bên đường.

Hậu quả H. tử vong, xe máy bị hư hỏng. Theo kết luận giám định, nồng độ cồn trong máu của H. là 92,04 mg/100 ml máu.

Ai là người chịu thiệt hại?

Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích Trần Văn Dũng có dấu hiệu phạm tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với cấu thành tội phạm như sau:

Về mặt chủ thể: Theo thông tin vụ việc, chiếc xe máy Yamaha Exciter, không mang biển kiểm soát là của Trần Văn Dũng. Do đó, Dũng được xác định là chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của chiếc xe này (việc quản lý xe có thể thông qua mua bán, thuê, mượn).

Về mặt khách thể: Xâm phạm đến an toàn công cộng, trật tự công cộng và tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Mặt khách quan: Tại thời điểm xảy ra vụ việc, Dũng buộc phải biết H đã sử dụng rượu bia (có nồng độ cồn trong máu); H 16 tuổi (sinh năm 2007) thì không có giấy phép lái xe, không đủ điều kiện điều khiển xe máy Yamaha Exciter tham gia giao thông, nhưng vẫn giao xe cho H sử dụng, dẫn đến tai nạn làm H tử vong.

tai-nan.jpg
Dũng lên làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra Ảnh: CA HÀ NAM

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 264 Bộ luật Hình sự có quy định:

“Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có … hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây…”

"Cụm từ “gây thiệt hại cho người khác” trong quy định trên dùng để chỉ “người khác” đối với “người giao phương tiện”, bao gồm cả người được giao điều khiển phương tiện. Tại khoản 9 mục I Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/06/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về thông báo giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử cũng nêu “Người khác ở trong trường hợp này được hiểu là bất kỳ người nào, trừ người giao phương tiện giao thông”. Do đó, H vẫn được xem là người bị thiệt hại và vẫn thỏa mãn mặt khách quan của tội phạm này"- Luật sư Mạch nhận định.

Theo Luật sư Mạch trong trường hợp này, mặt chủ quan là lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Luật sư Mạch phân tích: Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015, phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Trong đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

"Như vậy, Trần Văn Dũng được xác định là chủ sở hữu/người quản lý của chiếc xe, đã đủ 18 tuổi trở lên nên phải tự mình chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp có thỏa thuận khác). Đồng thời, do H lái xe khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ nên doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường"- Luật sư Mạch nhận định.

Cũng theo Luật sư, các khoản tiền phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015); Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Thiệt hại khác do luật quy định.

"Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của H (nếu không có những người này thì người đã trực tiếp nuôi dưỡng H được hưởng khoản tiền này)"- Luật sư nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm