Chờ bước đột phá giữa Nga và phương Tây trong tuần này

Dự kiến trong tuần này sẽ có hai sự kiện quan trọng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Một là cuộc đối thoại an ninh giữa Nga và Mỹ trong ngày 9 và ngày 10-1 ở Geneva (Thụy Sĩ). Hai là cuộc gặp của Hội đồng Nga - NATO (khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ngày 12-1.

Theo đánh giá của tình báo Mỹ thì Nga cần khoảng 10 ngày để hoàn tất chuẩn bị tấn công Ukraine, nếu ông Putin quyết định hành động. Thời điểm có thể xảy ra là giữa tháng 1 đến cuối tháng 2.
 

An ninh cực kỳ căng thẳng

Những diễn biến này được đánh giá rất quan trọng trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây thời gian gần đây cực kỳ căng thẳng. Từ cuối năm 2021, Nga liên tục tăng quân đến biên giới với Ukraine, động thái mà theo đánh giá của tình báo Mỹ là bước chuẩn bị cho việc tấn công toàn diện vào đầu năm 2022. Mỹ và các đồng minh cảnh báo Nga về những hậu quả nghiêm trọng - trong đó có trừng phạt nặng về kinh tế - nếu có hành động hiếu chiến thêm nữa.

Mới đây, ngày 6-1, liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu đã đưa quân - phần lớn là binh sĩ Nga - vào Kazakhstan dẹp bạo động biểu tình. Mỹ ngay lập tức lên tiếng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc này, đồng thời cảnh báo rằng mình đang theo dõi chặt mọi động thái của lực lượng này xem có chiếm các cơ sở nhà nước của Kazakhstan hay không.

Lính Mũ nồi xanh Mỹ và đặc nhiệm Bulgaria diễn tập tại Bulgaria ngày 
26-8-2021. Tư lệnh tối cao NATO được cho là muốn liên minh lập các nhóm chiến đấu ở Bulgaria và Romania. 
Ảnh: DEVIN ANDREWS/THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ

Ngày 6-1, Nhà Trắng xác nhận rằng cuộc đối thoại giữa NATO và Nga sẽ vẫn diễn ra, bất kể tình hình bạo động ở Kazahkstan. Nhà Trắng cho biết Mỹ có kế hoạch sẽ nêu ra nhiều hành vi mà Mỹ cho là sai trái của Nga, bao gồm cả việc đưa quân vào các nước láng giềng, các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học và can thiệp bầu cử.

Trả lời phỏng vấn đài RT từ tháng 12-2021, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga định sẽ bàn về dự thảo an ninh giữa Nga và các nước NATO. Phía Nga đã đề xuất một dự thảo an ninh yêu cầu Mỹ và NATO đảm bảo an ninh, trong đó có cam kết ràng buộc rằng NATO sẽ không mở rộng xa hơn về phía đông và sẽ không kết nạp Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng những căng thẳng hiện tại ở châu Âu là do sự mở rộng của NATO sau khi Liên Xô sụp đổ và Nga buộc phải đáp trả.

Có cơ hội giảm căng thẳng

Theo Foreign Policy, nhiều quan chức Mỹ và châu Âu nói họ tin Nga vẫn chưa quyết định về kế hoạch hành động. Các cuộc gặp với Mỹ và NATO có thể đưa ra một số manh mối về việc liệu một giải pháp ngoại giao có khả thi hay không.

Theo chuyên gia Andrea Kendall-Taylor,Giám đốc Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, yêu cầu của Nga rằng NATO dừng mọi hoạt động mở rộng xa hơn về phía đông nhiều khả năng không được đáp ứng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và một số quốc gia thành viên NATO đã tái khẳng định Ukraine có quyền lựa chọn các thỏa thuận an ninh của riêng mình. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn cơ hội giảm căng thẳng với các yêu cầu khác của Nga, như kiểm soát vũ khí, tái cân bằng lực lượng, giới hạn tập trận.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 5-1, phía Mỹ chưa biết chắc các cuộc đối thoại sắp tới sẽ mang lại điều gì nhưng cách tiếp cận của Mỹ đối với các cuộc thảo luận sẽ thực dụng, hướng đến kết quả và Mỹ tin rằng có những lĩnh vực Mỹ có thể đạt được bước tiến với Nga.

Nói với hãng tin Bloomberg ngày 5-1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Tổng thống Putin muốn có kết quả thực chất ngay lập tức chứ không phải chỉ lời nói. Ông Ryabkov không nói rõ rằng Nga sẽ phản ứng thế nào nếu các cuộc đàm phán thất bại, vì như thế sẽ “phản tác dụng”. Tuy nhiên, ông Putin từng đề cập rằng trong trường hợp này có thể sau đó sẽ có một phản ứng quân sự, chẳng hạn Nga sẽ triển khai vũ khí mới gần biên giới.•

EU bất mãn vì không được đối thoại với Nga

Liên minh châu Âu (EU) - khối kinh tế và chính trị gồm 27 nước - sẽ không tham gia các cuộc đối thoại với Nga mặc dù một số thành viên của khối này có biên giới với Nga, theo kênh CNBC.

“Bất kỳ cuộc thảo luận nào về an ninh châu Âu đều phải bao gồm EU và Ukraine”, “nói chuyện về an ninh ở châu Âu không thể không có sự tham vấn và cả sự tham gia của người châu Âu” - ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU phụ trách các vấn đề đối ngoại, nêu ý kiến ngày 5-1 khi ông đến thăm miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, nhà phân tích Andrius Tursa tại công ty tư vấn và quan hệ công chúng Teneo (Mỹ) cho rằng việc loại EU khỏi cuộc đàm phán không có gì đáng ngạc nhiên. Theo ông, việc EU không có mặt tại các cuộc đàm phán sắp tới không có gì đáng ngạc nhiên, vì NATO và đặc biệt là Mỹ mới là bảo đảm chính về an ninh ở Trung và Đông Âu. Trên thực tế, EU nói chung không có năng lực quốc phòng mạnh, chủ yếu dựa vào NATO và ở một mức độ nào đó dựa vào Mỹ về vấn đề an ninh.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm