Chờ chính quyền "trả nợ" nhiều vấn đề

Hỏi cụ thể, đáp còn chung chung

Theo thông tin trong chương trình thì TP đã giải quyết được khoảng 80% kiến nghị của cử tri. Kết quả này cho thấy các cấp, các ngành của TP đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực. Tuy nhiên, để nâng cao hơn hiệu quả của công tác giải quyết kiến nghị của các cử tri thì TP cần thực hiện tốt những việc sau:

- Cần công khai quy trình giải quyết kiến nghị để cử tri biết và theo dõi. Qua chương trình, tôi được biết phần lớn những kiến nghị của cử tri tập trung vào vấn đề ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến đất đai. Chính vì vậy việc công khai thông tin quy hoạch, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các dự án… trên các phương tiện thông tin đại chúng là thật sự cần thiết.

- Khi tiếp nhận kiến nghị của cử tri, các cơ quan chức năng cần thực hiện đúng quy trình giải quyết kiến nghị: Phải có văn bản trả lời đúng thời gian; văn bản cần cụ thể, rõ ràng; cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị giải quyết kiến nghị.

Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giải quyết kiến nghị phải thật sự cầu thị, coi kiến nghị của cử tri như một kênh thông tin góp phần hoàn chỉnh chủ trương chính sách, kế hoạch công tác, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình. Ngoài ra, nội dung các kiến nghị, tiến độ xử lý và kết quả giải quyết các kiến nghị đó cũng nên được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để các cử tri khác theo dõi.

Việc công khai thông tin quy hoạch, chính sách bồi thường… trên các phương tiện thông tin đại chúng là thật sự cần thiết, đáp ứng mong mỏi của cử tri trong lĩnh vực đất đai. Ảnh: HTD

- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM thông qua các tổ chức của mình cần tăng cường giám sát quá trình giải quyết kiến nghị, bức xúc của cử tri. Đối với các kiến nghị liên quan tới nhiều cơ quan, ban ngành thì cần có sự phối hợp giải quyết một cách triệt để, tránh để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ.

NGUYỄN VIẾT THUYÊN (Cán bộ hưu trí quận 3)

Nơi tôi ở có nhiều nhà, đất nằm trong các dự án phân lô hộ lẻ và nhiều năm nay các chủ nhà, đất vẫn chưa được chính quyền cấp giấy chứng nhận để thực sự yên tâm sinh sống. Chính vì thế, tôi rất quan tâm đến câu hỏi về việc này của một đại biểu tham gia chương trình cũng như câu trả lời của đại diện Sở TN&MT.

Nhưng rồi tôi đã hết sức thất vọng. Thay vì đi thẳng vào nội dung “tại sao chưa cấp giấy, khi nào mới cấp...”, sở vòng vo “phân lô hộ lẻ là cách làm của thời trước” “dẫu có nhiều mặt chưa được nhưng vẫn tốt hơn tự phát”. May là vị này được chủ tịch HĐND TP “xì tốp” kịp thời, nếu không chẳng biết vấn đề còn miên man đến đâu.

Đồng ý là TP còn bừa bộn nhiều vấn đề cần phải giải quyết và hiệu quả không thể có tức thời. Song cái người dân cần là cách tiếp cận và hướng giải quyết vấn đề. Do vậy, các cơ quan phải gắng sức hành động, tránh các câu trả lời huề trớt, có cũng như không.

PHƯƠNG ÂM (Xã Phong Phú, huyện Bình Chánh)

Thiếu giải pháp cụ thể

Tôi hay xem chương trình Lắng nghe và Trao đổitrên HTV để qua đó xác định được TP đang bàn luận vấn đề thời sự nào, cách giải quyết, khắc phục ra sao, có khả quan hoặc có sáng kiến mới gì hay không...

Nhìn chung, chính quyền TP đã nắm bắt được những vấn đề mà người dân đang quan tâm, bức xúc; đồng cảm với các nguyện vọng, suy nghĩ, trăn trở của người dân. Tuy nhiên, tôi không hài lòng với việc chính quyền chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể cho từng vấn đề. Những người có trách nhiệm ở các cơ quan, đơn vị chỉ mới báo cáo công việc, nêu vài khó khăn, trở ngại kèm theo những cam kết chung chung, không có ai giám sát. Điều này không đáp ứng được mong đợi của người dân về những lộ trình thực hiện, về các phương án xử lý có tính thực tế, khả thi.

NGUYỄN VĂN LỘC (Phường Bình An, quận 2)

Phải quyết liệt mới có hiệu quả

Lần này chính quyền có bàn về việc xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường đang tồn tại ở tất cả quận, huyện. Có vẻ như các sở liên quan đã tích cực hành động nhưng theo tôi kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Đây đó vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư đang hằng ngày, hằng giờ tra tấn người dân bằng khói bụi, tiếng ồn, nước thải chưa qua xử lý. Nhiều cơ sở đã bị xử phạt nhiều lần nhưng họ vẫn tiếp tục vi phạm và chính quyền vẫn chưa quyết liệt đóng cửa.

Hay như những trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, khi tiếp nhận thông tin một đoạn đường nào đó có vi phạm này thì chính quyền cũng xử lý nhưng chỉ một thời gian ngắn đâu lại vào đó. Tại sao lãnh đạo địa phương không mạnh tay hơn, không xử lý quyết liệt hơn để các đối tượng vi phạm không dám tái phạm?

NGUYỄN THỊ BAN (Phường 2, quận 5)

Đặt mình là cử tri để trả lời cho thuyết phục

Ngày 6-5, trong chương trình Lắng nghe và Trao đổi tháng 5 do Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức với chủ đề “Giải quyết kiến nghị của cử tri”, các đại biểu và khách mời của chương trình đã cùng trao đổi về việc giải quyết kiến nghị cử tri liên quan đến vấn đề quy hoạch, ô nhiễm môi trường, tiến độ triển khai các dự án…

Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP, cho biết kết quả trả lời và giải quyết kiến nghị cử tri thời gian qua đạt 80%. Số vụ việc còn lại hoặc xử lý chậm hoặc trả lời chung chung, chưa rõ trách nhiệm, thời hạn giải quyết.

Theo ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP, để khắc phục con số 20% thì chính quyền phải thông tin kịp thời, nói rõ nguyên nhân vì sao kiến nghị, phản ánh của cử tri chưa được giải quyết. “Không phải cứ không giải quyết được là người dân không hài lòng, quan trọng là phải nói cho người dân hiểu. Chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, cử tri để thấy trả lời như thế nào là rõ ràng và thuyết phục nhất” - ông Trí nhấn mạnh. Cũng theo ông Trí, TP cần có cơ chế phân công, ghi nhận đầy đủ kiến nghị của cử tri. Kiến nghị của cấp nào thì cấp đó phải có trách nhiệm xử lý thấu đáo, phải xác định được thời gian giải quyết, trả lời cụ thể.

N.NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới