Chuyển tiền nhầm tài khoản, khổ chủ mong mỏi lấy lại gần 120 triệu đồng

(PLO)- Do nhầm lẫn số tài khoản, một người ở huyện Hóc Môn, TP.HCM chuyển nhầm tài khoản cho người khác với số tiền gần 120 triệu đồng nhưng mãi vẫn chưa lấy lại được.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông TQĐ, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM, cho biết gần một tháng nay gia đình ông như “ngồi trong đống lửa” khi số tiền gần 120 triệu đồng mà gia đình ông chuyển nhầm cho người khác vẫn chưa được hoàn trả lại.

Chuyển tiền nhầm tài khoản, gian nan đi đòi lại

Ông Đ cho biết, sáng ngày 28-9, con ông ra một chi nhánh thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPbank) tại huyện Hóc Môn, TP.HCM để chuyển tiền thanh toán khoản nợ cho đối tác vào số tài khoản 05001211xxx thuộc một ngân hàng khác.

Trong quá trình điền thông tin của người nhận trong giấy nộp tiền, con ông đã bất cẩn ghi nhầm thành thông tin tài khoản của một người khác cũng thuộc ngân hàng Sacombank với số tiền là 119 triệu đồng.

Sau khi chuyển xong, ông chụp giấy nộp tiền gửi qua zalo cho phía đối tác để đối chiếu công nợ thì mới phát hiện đã chuyển nhầm tài khoản cho người khác.

Ngay sau đó, con ông mang theo giấy nộp tiền và CCCD ra Ngân hàng TP bank để làm thủ tục tra soát.

chuyển tiền nhầm tài khoản
Ông TQĐ, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM, như “ngồi trong đống lửa” khi số tiền gần 120 triệu đồng mà gia đình ông chuyển nhầm cho người khác vẫn chưa được nhận lại. Ảnh: VÕ HÀ

“Ngay sau khi phát hiện có việc chuyển nhầm, gia đình tôi đã đến ngân hàng chuyển tiền để được hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay đã gần một tháng nhưng gia đình tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía ngân hàng. Gia đình cũng đã liên hệ công an nhưng công an nói chúng tôi làm việc với ngân hàng trước.

Hiện nay, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa bởi số tiền chuyển nhầm không biết khi nào mới nhận lại được. Trong khi đó, phía đối tác ngày nào cũng giục chuyển lại. Biết rằng việc chuyển nhầm là lỗi của khách hàng nhưng cũng rất mong ngân hàng hỗ trợ để gia đình tôi sớm nhận được số tiền đã chuyển nhầm”- ông Đ mong mỏi.

Ngân hàng nơi chuyển nhầm đang liên hệ ngân hàng nhận

Để tìm hiểu vụ việc chuyển tiền nhầm của ông Đ, PV đã liên hệ chi nhánh Ngân hàng TPbank nơi con ông Đ đến chuyển tiền. Tại đây, một kiểm soát viên của chi nhánh ngân hàng này cho biết đã tiếp nhận trường hợp chuyển tiền nhầm tài khoản của ông Đ và đang thực hiện một số quy trình để xử lý.

Cũng theo vị kiểm soát viên của chi nhánh ngân hàng TPbank, sau khi tiếp nhận thông tin từ gia đình ông Đ, ngân hàng chuyển công văn đến ngân hàng nhận chuyển nhầm. Sau khi có công văn đến thì bên ngân hàng nhận chuyển nhầm sẽ làm việc với khách hàng nhận số tiền chuyển nhầm và phản hồi lại cho bên Ngân hàng TPbank.

“Những trường hợp khách hàng chuyển tiền nhầm như trường hợp của ông Đ, bên ngân hàng sẽ không thể trả lời khách hàng thời gian giải quyết là bao lâu bởi ngân hàng chúng tôi khi xử lý còn phụ thuộc vào phía ngân hàng nhận chuyển nhầm. Trường hợp ngân hàng nhận chuyển nhầm không phản hồi thì khách hàng buộc phải ra cơ quan công an nơi khách hàng cư trú trình báo. Lúc này, cơ quan công an sẽ xử lý theo quy định pháp luật”- một kiểm soát viên thuộc ngân hàng TPbank chia sẻ.

Nhận chuyển tiền nhầm không trả bị xử lý thế nào?

Trước đây, Bộ Công an đã có hướng dẫn xử lý việc chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người khác.

Theo đó, khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, Điều 580 Bộ luật Dân sự.

Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021, nếu người có hành vi chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính 3-5 triệu đồng. Đồng thời, cũng theo Nghị định 144, người chiếm giữ buộc phải trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.

Ngoài ra, Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định tội chiếm giữ trái phép tài sản. Theo đó, tùy vào số tiền mà người vi phạm chiếm giữ trái phép tài sản của người khác mà sẽ bị áp dụng mức phạt khác nhau, mức phạt cao nhất đến năm năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm