Để làm rõ việc cho các đăng kiểm viên đã bị khởi tố nhưng được tại ngoại tiếp tục làm việc có đúng luật hay không, trước hết cần xác định những đăng kiểm viên này là viên chức (được điều chỉnh bởi Luật Viên chức và Nghị định 112/2020 - quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức) hay là người lao động (được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động năm 2019 - BLLĐ).
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng các đăng kiểm viên đã bị khởi tố nhưng được tại ngoại tiếp tục làm việc là đúng luật. Ảnh: V.LONG |
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) thì các đăng kiểm viên nêu trên hiện nay đang là bị can trong các vụ án, hay nói cách khác họ là những người đang bị buộc tội.
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 BLTTHS thì “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Như vậy, nếu họ là viên chức thì căn cứ Nghị định 112/2020 quy định về các trường hợp chưa xem xét kỷ luật, trong đó có trường hợp “Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền”.
Do đó, nếu các đăng kiểm viên là viên chức đã bị khởi tố bị can, chưa bị xử lý kỷ luật thì họ được tiếp tục thực hiện công việc theo hợp đồng làm việc đã ký kết.
Trong trường hợp họ là người lao động ký kết hợp đồng lao động với trung tâm đăng kiểm và bị khởi tố bị can nhưng không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam thì không thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (căn cứ vào Điều 30 BLLĐ).
Mặt khác, hiện nay họ cũng chưa bị tòa án có thẩm quyền xét xử và kết án phạt tù (không được hưởng án treo) bằng một bản án có hiệu lực pháp luật nên không thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (căn cứ vào Điều 34 BLLĐ).
Tuy nhiên, hiện nay các đăng kiểm viên này đang bị buộc tội trong vụ án hình sự nên khi xem xét đến việc có tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định đối với họ hay không thì cần phải áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành để giải quyết.
Các cơ quan có thẩm quyền cần phải xác định hành vi phạm tội của họ có thuộc trường hợp làm sai lệch kết quả kiểm định hoặc không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định hay không (theo Điều 17 Nghị định 139/2018, quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới).
Bởi lẽ, trong vụ án này, cơ quan công an đã khởi tố nhiều tội danh khác nhau và cần xác định hành vi vi phạm của các đăng kiểm viên này có liên quan đến tội danh nào đã khởi tố.
Nếu có căn cứ xác định họ thực hiện một trong các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 17 Nghị định 139/2018 thì các đăng kiểm viên này bắt buộc phải bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ 1 đến 3 tháng.
Nếu có cơ sở xác định họ vi phạm một trong các khoản của Điều 17 đến mức gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến an toàn phương tiện thì có thể xem xét bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên.
Mặt khác, ai là người có quyền kết luận đăng kiểm viên đã thực hiện hành vi vi phạm tại Điều 17 Nghị định 139/2018? Là Cơ quan điều tra, kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước (Cục Đăng kiểm Việt Nam) hay phải chờ đến bản án có hiệu lực của Tòa án?
Vấn đề này, theo tôi, Cục Đăng kiểm Việt Nam nên có văn bản trao đổi thống nhất với cơ quan điều tra để từ đó làm cơ sở cho việc tạm đình chỉ hay không tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định của các đăng kiểm viên. Từ đó, mới có thể kết luận việc họ tiếp tục đi làm khi đang bị khởi tố nhưng được tại ngoại có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không.
Cục Đăng kiểm vẫn có quyền tạm đình chỉ
Không chỉ toà án khi xét xử vụ án hình sự (hay có kết luận điều tra của cơ quan công an) mới có quyền xác định đăng kiểm viên có các sai phạm theo Điều 17 Nghị định 139/2018.
Với mức độ quản lý hành chính nhà nước, Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn có quyền xác định vấn đề này. Chẳng hạn, khi Thanh tra của Cục Đăng kiểm Việt Nam thanh tra các trung tâm đăng kiểm và phát hiện đăng kiểm viên có các hành vi theo Điều 17 Nghị định 139/2018 thì họ vẫn có quyền báo cáo lãnh đạo Cục để ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động kiểm định đối với đăng kiểm viên.
Điều đó cho thấy, việc tạm đình chỉ đăng kiểm viên không phải đợi đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật.
Cần lưu ý, BLLĐ hay Luật Viên chức là luật chung. Do đó, cần xem xét, áp dụng Nghị định 139/2018 (trực tiếp điều chỉnh về hoạt động đăng kiểm, đăng kiểm viên…). Theo Điều 17 Nghị định này, đăng kiểm viên có thể bị tạm đình chỉ mà không phân biệt là đăng kiểm viên làm việc theo hợp đồng làm việc (được điều chỉnh bởi Luật Viên chức) hay làm việc theo hợp đồng lao động (là người lao động, được điều chỉnh bởi BLLĐ). Khi xử lý vụ việc cụ thể cần đối chiếu đến luật chuyên ngành, kể cả điều lệ, quy chế, nội quy của từng cơ quan, đơn vị.
Mặt khác, theo Điều 181 BLTTHS, khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can.
ThS-LS NGUYỄN VĂN DŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM