Cho đăng kiểm viên bị khởi tố tiếp tục làm việc: Sai quy định!

(PLO)- Theo chuyên gia, việc cho các đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại tiếp tục làm việc là không đúng luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết do thiếu nhân viên đăng kiểm nên vừa qua đơn vị phải sử dụng 12 đăng kiểm viên đã bị khởi tố (được tại ngoại - PV) để vận hành lại hai trung tâm đăng kiểm từng bị tạm dừng hoạt động ở Hà Nội.

Ông An khẳng định việc sử dụng các nhân viên trên là đúng quy định pháp luật. Bởi chỉ khi có bản án có hiệu lực pháp luật của thì mới khẳng định được người đó có tội hay không, còn hiện nay tòa chưa tuyên án thì phải xem người lao động như công dân bình thường, chỉ bị hạn chế một số quyền.

Vậy việc cho các đăng kiểm viên đã bị khởi tố nhưng được tại ngoại tiếp tục làm việc có đúng luật?

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: V.LONG
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: V.LONG

Trao đổi với PV, PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, căn cứ theo Điều 17 Nghị định 139/2018 (quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới) thì đăng kiểm viên sẽ bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ 1-3 tháng trong trường hợp làm sai lệch kết quả kiểm định hoặc Không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.

“Các đăng kiểm viên vừa rồi bị khởi tố do các hành vi theo Điều 17 Nghị định 139/2018. Do đó, trong trường hợp này phải tạm đình chỉ công việc đối với các đăng kiểm viên. Nói cách khác, việc cho các đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại tiếp tục làm việc là không đúng luật”, PGS-TS Phương Diệp nêu quan điểm.

Theo bà Diệp, việc để các đăng kiểm viên nói trên tiếp tục làm việc là “mạo hiểm”, có thể gây hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Và cần căn cứ vào Điều 18 Nghị định 139/2018 để thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

Cũng theo PGS Phương Diệp thì từng ngành, nghề sẽ có nội quy riêng biệt (phù hợp với các quy định của luật) và thông thường công chức, viên chức, người lao động đang bị khởi tố, điều tra sẽ bị tạm đình chỉ công tác chờ đến khi có kết luận chính thức từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên

Trình tự tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định, thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên theo Điều 19 Nghị định 139/2018, như sau:

(1) Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành quyết định tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên, thông báo đến các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

(2) Đăng kiểm viên phải nộp lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên cho Cục Đăng kiểm Việt Nam (đối với trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên), đồng thời dừng việc tham gia kiểm định xe cơ giới tại đơn vị đăng kiểm ngay sau khi quyết định có hiệu lực.

3. Đăng kiểm viên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên chỉ được xem xét cấp lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới sau 36 tháng kể từ ngày thu hồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm