Quan hệ Mỹ - Trung sau thời gian dài lạnh nhạt có tín hiệu ấm lại với liên tiếp các cuộc gặp cấp cao trong những ngày qua. Diễn biến này được giới quan sát theo dõi sát, tuy nhiên vẫn chưa thể nói chắc liệu quan hệ hai bên sẽ thật sự khởi sắc sau hàng loạt sự kiện tích cực vừa rồi.
Mục tiêu lúc này: Duy trì liên lạc, tránh hiểu lầm
Mở đầu là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình ngày 14-11 bên lề kỳ Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) tuần trước và theo Bloomberg thì cuộc hội đàm tốt đẹp vượt mức mong đợi. Bên cạnh trao đổi thẳng thắn và sâu sắc về quan hệ hai nước và những vấn đề hai bên cùng quan tâm, thống nhất sẽ nối lại hợp tác trong nhiều vấn đề, trong đó có biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, hai lãnh đạo nhất trí sẽ giữ liên lạc và chỉ đạo giới chức hai nước duy trì liên lạc cởi mở và hợp tác.
Cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập sẽ không đưa quan hệ Mỹ - Trung lên một quỹ đạo mới hoặc tạo ra sự đồng thuận về các vấn đề hóc búa vốn đã định hình mối quan hệ trong nhiều thập niên - Council on Foreign Relations
Ngày 18-11, đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào bên lề tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok (Thái Lan). Ông Vương và bà Tai đã hội đàm “thẳng thắn, chuyên nghiệp và mang tính xây dựng” về các vấn đề kinh tế và thương mại song phương, khu vực và đa phương mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa hai nước.
Ngày 19-11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Tập bên lề hội nghị APEC. Chủ đề chính được bà Harris và ông Tập nhắc lại vẫn là tầm quan trọng của việc giữ cho các đường dây liên lạc luôn cởi mở, tránh để xảy ra hiểu lầm.
Gần nhất là cuộc gặp hai bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ - Trung bên lề Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Siem Reap (Campuchia) ngày 22-11. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Austin Lloyd bàn về quan hệ quốc phòng Mỹ - Trung và các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, về tầm quan trọng phải đối thoại thực chất để giảm thiểu rủi ro chiến lược, cùng nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm, duy trì các đường dây liên lạc cởi mở.
Một thông tin tích cực nữa, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có kế hoạch đến TQ vào đầu năm sau.
Giới quan sát chờ đợi sự khởi sắc trong quan hệ Mỹ - Trung sau hàng loạt cuộc gặp cấp cao, đặc biệt cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Bali (Indonesia). Ảnh: AFP/GETTY IMAGES |
Khởi sắc tới đâu?
Các cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đã xuống mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1979, do nhiều khác biệt, bất đồng. Với các cuộc gặp này, Mỹ và TQ có thể sẽ không rơi vào “một cuộc chiến tranh lạnh mới”, như ông Biden đã nói với ông Tập tuần trước, tuy nhiên theo nhiều nhà quan sát, tín hiệu tích cực này có giúp quan hệ hai bên khởi sắc thêm sau đó hay không thì khó có thể nói chắc khi các bất đồng giữa hai bên vẫn còn đó.
Ngày 22-11, Điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby cho rằng cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập không biểu thị một sự “thiết lập lại” trong quan hệ Mỹ - Trung mà là một nỗ lực nhằm cân bằng căng thẳng và xác định các lĩnh vực mà hai siêu cường có thể làm việc cùng nhau, theo đài Fox News.
Ông Kirby chỉ ra “những lĩnh vực mà chúng ta có thể và nên hợp tác» như biến đổi khí hậu và khan hiếm lương thực toàn cầu, tuy nhiên ông cũng chắc rằng "sẽ có những vấn đề làm căng thẳng quan hệ", lưu ý sự quan ngại của Mỹ về hành động của TQ với Đài Loan cũng như các hoạt động thương mại của TQ mà Mỹ cho là không công bằng.
Về thương chiến, tới thời điểm này ông Biden vẫn chưa loại bỏ bất kỳ khoản thuế quan nào trong số 300 tỉ USD trị giá hàng hóa nhập khẩu từ TQ mà Mỹ đã áp dụng từ thời Tổng thống Donald Trump.
Về vấn đề Đài Loan, dù khẳng định tôn trọng chính sách “Một TQ” nhưng Mỹ cũng nói rõ mình phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng. Phần mình, ông Tập nhấn mạnh rằng Đài Loan là “cốt lõi của các lợi ích cốt lõi của TQ” và là “lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua giữa TQ và Mỹ”. Vì thế theo trang Council Foreign Relations, không có lý do gì để tin rằng Mỹ và TQ tới đây sẽ giảm căng thẳng ở Đài Loan.
Ông Kirby nhận xét rằng về tổng thể việc Mỹ và TQ cam kết tăng cường đường dây liên lạc là một "điều tích cực" nhưng cần phải làm nhiều việc hơn nữa để đảm bảo thuận lợi cho việc tiếp xúc các cấp. Council Foreign Relations cũng đánh giá rằng các cuộc gặp cấp cao hai bên đặc biệt cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập là diễn biến tích cực và quan trọng nhưng cần có biện pháp ngoại giao bền vững từ cả hai bên để biến các mục tiêu chung thành hiện thực.•
Đại diện Mỹ và Trung Quốc tích cực bàn bạc tại COP27
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ - cựu Ngoại trưởng John Kerry và đặc phái viên khí hậu TQ Giải Chấn Hoa đã có cuộc thảo luận “rất thẳng thắn” tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27) ở Ai Cập vừa kết thúc hồi cuối tuần rồi.
Theo giới quan sát, việc Mỹ và TQ nối lại đàm phán về khí hậu là một dấu hiệu tích cực cho sự hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu. Cộng đồng toàn cầu sẽ không thể đạt được các mục tiêu về khí hậu nếu không có các nỗ lực khử cacbon tăng cường từ Mỹ và TQ, hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, điều giới quan sát băn khoăn là không rõ cả hai bên sẽ làm thế nào để đáp ứng các cam kết về khí hậu của họ. Mỹ và TQ hiện vẫn còn nhiều việc phải làm với thỏa thuận hợp tác mà họ đã ký trong COP26 ở Glasgow năm ngoái, đặc biệt là khi nói đến việc giảm lượng khí thải metan.
Dù không có thỏa thuận khi gặp nhau tại COP27 nhưng ông Kerry và ông Giải cho biết sẽ tiếp tục đàm phán.