Gian nan thi hành án hành chính - Bài 2

Chờ giám đốc thẩm nên… chưa thi hành

(PLO)- Trong lát cắt về thực trạng thi hành án hiện nay, nổi lên là việc nhiều cá nhân, cơ quan nhà nước có trách nhiệm thi hành án viện cớ đang chờ xem xét lại bản án nên chưa thể thi hành.

Gửi phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu (ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết ông là người thắng kiện trong vụ án hành chính mà người bị kiện là chủ tịch UBND quận 2 và UBND quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức).

Dù bản án có hiệu lực thi hành từ tháng 11-2020 nhưng đến nay, ủy ban vẫn chưa thi hành án (THA).

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết quá mệt mỏi vì chờ thi hành án. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bồi thường thu hồi đất không đúng luật

Theo ông Hiếu, căn nhà của gia đình ông có diện tích gần 250 m2 nằm trong dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối đại lộ Đông - Tây với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành. Năm 2003, khi làm thủ tục xin cấp sổ hồng thì gia đình ông chỉ được cấp số nhà tạm chứ không cấp sổ vì căn nhà đang nằm trong quy hoạch.

Đến ngày 9-4-2013, UBND quận 2 ra Quyết định 2101 về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư đối với nhà đất của ông. Cho rằng quyết định này xác định không đúng về nguồn gốc đất như thực tế dẫn đến các quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nên ông đã khiếu nại nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Tháng 10-2013, ông Hiếu nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa hủy Quyết định 2101 và Quyết định 4619 về việc giải quyết khiếu nại của ông. Ông Hiếu yêu cầu UBND quận bồi thường toàn bộ đất diện tích gần 250 m2 theo đơn giá đất ở sử dụng trước năm 1993 chứ không phải đất lấn chiếm như Quyết định 2101 nêu.

Tháng 12-2019, TAND quận 2 xét xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hiếu, tuyên hủy Quyết định 2101. Tòa tuyên UBND quận 2 có trách nhiệm giải quyết lại việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư đối với gia đình ông Hiếu. Đồng thời, tòa cũng tuyên hủy Quyết định 4619 về giải quyết khiếu nại của ông.

Sau đó, UBND quận 2 kháng cáo. Tháng 12-2020, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, không chấp nhận kháng cáo, sửa một phần bản án sơ thẩm, hủy một phần Quyết định 2101. Ngoài ra, tòa buộc UBND quận 2 và chủ tịch UBND quận 2 thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định pháp luật.

Bị buộc thi hành án vẫn không thi hành

Sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, ông Hiếu cho biết đã có đơn yêu cầu THA gửi đến Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BBTGPMB) TP Thủ Đức để được thi hành theo bản án của tòa.\

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Hiếu cho biết: Tính đến nay, nhà đất của gia đình ông bị thu hồi đã gần 10 năm. Cũng từng ấy năm, gia đình ông phải bỏ công việc đi khiếu nại, kiện tụng rất mệt mỏi.

“Lúc bản án của tòa có hiệu lực, tôi mừng rơi nước mắt. Vậy mà đã hơn một năm qua, bản án có hiệu lực vẫn chưa được thi hành. Giờ đây, chúng tôi lại phải vác đơn đi cầu cứu tiếp và không biết vụ việc đến bao giờ mới được giải quyết. Tôi thật sự đã quá mệt mỏi…” - ông Hiếu nói.

Ngày 6-4-2021, BBTGPMB có công văn trả lời cho ông Hiếu về việc chưa thể THA. Công văn nêu: Tháng 1-2021, UBND TP Thủ Đức có công văn gửi chánh án TAND Cấp cao và viện trưởng VKSND Cấp cao về việc kháng nghị giám đốc thẩm và hoãn THA bản án phúc thẩm trên. Sau khi có ý kiến của VKS, BBTGPMB sẽ tham mưu cho UBND TP Thủ Đức thực hiện bản án.

Đến ngày 24-1, TAND TP Thủ Đức đã ra quyết định buộc thi hành bản án phúc thẩm nhưng đến nay gia đình ông Hiếu vẫn chỉ có thể chờ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc viện cớ chờ xem xét giám đốc thẩm để chưa THA, TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết: Theo Nghị định 71/2016, UBND cấp tỉnh, cấp huyện phải chỉ đạo UBND cấp dưới và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND nghiêm chỉnh THA hành chính.

Trong đó, nghĩa vụ của người phải THA là phải chấp hành đúng, đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định của tòa án; thông báo cho người được THA, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú; thông báo kết quả THA cho tòa án đã xét xử sơ thẩm, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp và cơ quan THA dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm trong trường hợp người phải THA là cơ quan...

“Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Như vậy, pháp luật đã quy định rõ một khi bản án có hiệu lực thì phải đưa ra thi hành, trừ khi được hoãn, tạm hoãn theo quy định.

Mặc dù người phải THA có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, nếu vẫn chưa có quyết định nào về việc hoãn, tạm hoãn của cơ quan có thẩm quyền thì bản án vẫn phải thi hành. Lý do đang chờ xem xét kháng nghị giám đốc thẩm là không đúng quy định” - TS Nguyễn Văn Tiến cho hay.

Nhiều trường hợp lấy lý do chờ giám đốc thẩm

Nhắc đến việc viện cớ chờ giám đốc thẩm để trì hoãn THA thì không chỉ riêng trường hợp của ông Hiếu.

Trong vụ kiện về quyết định thu hồi đất, giải quyết khiếu nại giữa người khởi kiện là ông Phạm Văn Tuân (59 tuổi, ngụ phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) và người bị kiện là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND TP Nha Trang, bản án phúc thẩm ngày 25-12-2020 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy bốn quyết định của UBND TP Nha Trang, một quyết định của chủ tịch UBND TP Nha Trang, một quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn tự nguyện THA, bản án vẫn chưa được thi hành. Do đó, ngày 16-5, TAND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định buộc THA đối với UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 18-5, khi được hỏi về lý do chưa THA, một lãnh đạo UBND TP Nha Trang giải thích rằng việc chưa THA là do trước đó, chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đề nghị chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.

Trong khi trước đó, ngày 24-12-2021, VKSND Tối cao đã ban hành thông báo khẳng định không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới