Chợ từ lâu trở thành một miền ký ức của người Sài Gòn, là nơi cung cấp hoa tươi cho TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ là đầu mối cung cấp hoa cho nhiều nơi ở TP.HCM hiện nay.
Ban trưa, bật bản nhạc bolero quen thuộc, dì Ni (60 tuổi), người gắn bó với ngôi chợ này gần 20 năm, trầm ngâm ngồi nhìn người ra vào chợ. Nhà dì Ni ở sát chợ, bán hàng tạp hóa nhỏ, luôn tiện giữ xe cho khách đến chợ mua hoa. Tuổi thơ của dì là những ngày chạy khắp các gian hàng trong chợ để ngắm hoa và chơi đùa với đám bạn.
“Tôi không nhớ rõ là từ khi nào nữa nhưng hồi nhỏ, tôi đã thấy chợ nằm đó rồi. Ban đầu là có mấy cô chú bán lẻ tẻ trước cổng Trường Hồ Thị Kỷ, sau này thì người ta chuyển qua một điểm gần đó. Ngày càng nhiều người đến đây bán buôn, người đến mua cũng nhiều nên dần dần hình thành ngôi chợ” - dì kể lại.
Một góc nhỏ trong khu chợ hoa Hồ Thị Kỷ.
Chợ là nơi tập trung nhiều loại hoa khác nhau nên được nhiều người đến để có thêm sự lựa chọn.
Từng loài hoa với màu sắc khác nhau tạo nên sự rực rỡ cho khu chợ.
“Có những đêm không ngủ, cả đám cứ đi dạo hết gian này gian khác để phụ giúp mọi người bán, mấy chiếc xe chở hoa ra vào tấp nập để giao hoa. Đến lễ thì hoa về nhiều lắm, đủ mọi sắc màu, nhìn rất thích” - dì Ni hồ hởi nhớ lại.
Nhiều người chọn đến chợ vì hoa ở đây có nhiều loại, có người thì vì tiềm thức đã gắn bó lâu dài với ngôi chợ này.
Một khách hàng ở quận 4 (áo trắng) cho biết chị chỉ mua hoa ở chợ này cho tất cả dịp giỗ, cúng hay đám cưới, trang trí...
Chị Châu (áo xanh) đã bán ở chợ gần 20 năm nay, nghe chợ di dời chị cũng thấy buồn nhưng phải chấp nhận.
Còn với bạn Lê Dũng (24 tuổi) thì kể dù nhà ở quận 9 nhưng khi có dịp cần mua hoa thì đều chạy lên chợ để mua chứ không mua ở những ngôi chợ gần nhà. Vì đơn giản, ngôi chợ này gắn liền với tuổi thơ, với những ngày mưu sinh của Dũng.
Từ năm lớp 7, Dũng đã lên chợ để mua hoa về bán kiếm thêm tiền phụ gia đình, để có tiền đến trường. Đã hơn 12 năm trôi qua, Dũng vẫn giữ trong mình ký ức về chợ hoa này.
Trong ký ức của Dũng, chợ không chỉ là nơi Dũng kiếm tiền mưu sinh, dạy những bài học đầu tiên về việc buôn bán mà còn là sự gắn bó, đùm bọc lẫn nhau giữa mọi người.
Trong ký ức của Dũng, chợ không chỉ là nơi Dũng kiếm tiền mưu sinh, dạy những bài học đầu tiên về việc buôn bán mà còn là sự gắn bó, đùm bọc lẫn nhau giữa mọi người. “Thời điểm đó tôi còn nhỏ nên cũng sợ sệt, đi lấy hoa về bán mà cứ sợ bị hét giá, mấy cô chứ quen mặt cứ lấy giá bình dân cho tôi thôi. Nhiều cô chú còn dạy mình cách chọn hoa, bày cách mời khách hàng mua hoa rồi động viên mỗi khi bán ế nữa” - Dũng nhớ lại.
Khi đã trưởng thành và có công việc ổn định, Dũng vẫn giữ thói quen mua hoa ở chợ dù nhà rất xa, có lúc chỉ mua có một bó hoa nhỏ thôi mà vẫn chạy lên chợ để mua.
Ở đây, người bán thì luôn thân thiện...
Người mua thì gắn bó vì chợ đã lâu đời, lời mời mọc của người bán cũng trở nên thân quen như một phần của cuộc sống.
“Từ hồi đó đến giờ mà thấy chợ vẫn không thay đổi gì nhiều cả. Có thêm nhiều gian hàng hơn nhưng cảnh vật, con người thì vẫn thân thương, cởi mở như vậy” - Dũng nói khi đang mua hoa.
Những người bán ở đây, đa phần là người tứ xứ. Dù không phải là người dân TP thì họ vẫn gắn bó với nơi này, coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Gần ba năm nay, thông tin về việc ngôi chợ sẽ được di dời qua nơi khác khiến nhiều tiểu thương ở chợ cứ râm ran bàn tán với nhau. Có người thì bảo tới đâu hay tới đó, còn có người thì cứ khắc khoải vì sợ chợ sẽ dời đi thiệt.
Đây là ngôi chợ không ngủ ở trong lòng phố Sài Gòn vì hoạt động buôn bán giao hàng diễn ra liên tục 24/24 giờ.
“Nghĩ sao mà dời đi được, nó lâu đời vậy mà. Đâu chỉ phải là nơi buôn bán không thôi mà tôi nghĩ nó còn là một nét đặc trưng của TP nữa. Nhiều khách nước ngoài người ta đến đây để đi dạo chợ và mua hoa. Ngay cả người nước ngoài cũng biết đến nó đấy” - dì Ni nói với vẻ nuối tiếc.
Chị Thúy Kiều, người bán hoa gần trước cổng chợ, thì bảo: “Thôi thì tới đâu hay tới đó chứ sao giờ. Còn bán được ngày nào, còn lăn lóc được ngày nào ở chợ thì cứ làm thôi. Giờ cũng không biết chính xác khi nào dời đi, cứ bán đã”.
Dù bảo là tới đâu hay tới đó nhưng chị Kiều vẫn tỏ vẻ nuối tiếc khi ngôi chợ này dời đi.
Nói thì nói vậy nhưng vừa dứt câu xong, chị Kiều lại nói thêm: “Nhưng mà chắc sẽ thấy thiếu thiếu cái gì đó. Cứ chiều đến ngồi trong nhà nhìn ra mà không thấy chợ nữa thì sao”...
Chị Bích bán hoa hồng trong một góc nhỏ ở khu chợ đã nhiều năm nay.
Còn chị Bích (quê Hà Tiên) thì giọng buồn buồn: “Buôn bán nơi đâu quen nơi đó, cũng gắn bó nhiều năm rồi mà giờ nó dời đi thấy trống trống sao đó”.
Phía sau khu chợ có khu chung cư cũ Lê Hồng Phong, nhiều người sống ở đây bảo họ đã quá quen thuộc với khung cảnh từng mái nhà liêu xiêu khi đứng từ tầng cao nhất của chung cư nhìn xuống chợ, len lỏi trong đó là bóng người đi qua đi lại, thấp thoáng đâu đó là hình ảnh vài cành hoa hướng dương đang nở rộ.
Từ khu chung cư Lê Hồng Phong cũ nhìn xuống chợ chỉ thấy toàn là mái che lụp xụp. Đó lại là niềm vui cuối ngày của nhiều người sống ở chung cư này.
Anh Văn Sơn (32 tuổi, người sống trên chung cư đã gần 15 năm) chia sẻ niềm vui của anh là cứ mỗi chiều bật vài bản nhạc bolero trong căn phòng nhỏ của mình rồi đứng ở lan can nhìn xuống khu chợ.
“Có những hôm hai anh em làm xong việc ra đây nhìn hoàng hôn. Thằng em nó chụp một tấm ảnh khi mặt trời đang dần lặn xuống, nhìn đẹp lắm. Nếu mà chợ này dời đi, hẳn sẽ rất là buồn vì đã quen với nhịp sống của nó rồi. Sẽ rất tiếc!” - anh Sơn nói.
Chiều 13-2, tại cuộc họp giải quyết kiến nghị của các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM, bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho rằng việc để tồn tại nhiều khu chợ bán sỉ trong trung tâm TP như chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ hoa Đầm Sen, khu chợ trái cây, chợ thủy hải sản ở quận 5, quận 6… tạo ra sự không công bằng đối với các tiểu thương đã chấp hành chủ trương của TP di dời về buôn bán tại các chợ đầu mối. Bà Liên kiến nghị UBND TP và các cơ quan chức năng kiên quyết hơn trong việc di dời, buộc các hộ kinh doanh ở những chợ sỉ, chợ tự phát này đến kinh doanh tại chợ đầu mối. Đại diện UBND quận 10 cho biết thêm dù mang tên là “chợ hoa Hồ Thị Kỷ” nhưng đây không phải là chợ, không có ban quản lý chợ mà chỉ là khu liên doanh. Các tiểu thương kinh doanh ở đây từ trước năm 1975, có nhiều mối hàng ở các tỉnh phía Nam. Họ chủ yếu bán lẻ và bỏ sỉ về các tỉnh. Hoa thường được bán trong ngày nên tiểu thương không có nhu cầu di dời về nơi có kho bãi rộng, có hệ thống trữ lạnh hiện đại nên đa số không chịu di dời về chợ đầu mối. Chủ trì buổi làm việc, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng nếu bắt các hộ kinh doanh di dời về chợ đầu mối bằng mệnh lệnh hành chính thì rất khó tạo sự đồng thuận. Ông Tuyến nhấn mạnh với các chợ đang kinh doanh trong khu vực nội thành nếu gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông thì phải cương quyết di dời, không kể là chợ sỉ hay chợ lẻ. Bước đầu, ông Tuyến giao Sở GTVT chấn chỉnh tình trạng xe tải giao hàng, bỏ hàng trong khu vực nội thành ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ trong khi chờ TP xem xét. |