Cho nhân chứng Mai Phương ngồi phòng kín: Đúng hay sai?

Đây là tình huống pháp lý thú vị, hiếm gặp trong thực tiễn tố tụng nên có nhiều luồng quan điểm trái ngược nhau. Để rộng đường dư luận, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu những ý kiến này.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN ĐỨC SÁU,  nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:

Cho cách ly là đúng!

Trong trường hợp cần thiết, tòa có thể cho phép nhân chứng trình bày tại phòng cách ly, vừa để đảm bảo an toàn vừa tránh bị chi phối bởi các lời khai khác.

Các luật sư làm nhiệm vụ bảo vệ thân chủ luôn sử dụng những biện pháp tốt nhất, đặt những câu hỏi nhằm xác định sự thật có lợi cho thân chủ nhất. Việc đặt câu hỏi có thể khiến nhân chứng bị áp lực tâm lý. Do đó tòa có thể cân nhắc để nhân chứng ngồi phòng cách ly.

Có người cho rằng không rõ cô này có đúng là Mai Phương, nhân vật đang được nhắc đến qua lời khai mấy ngày nay hay không… thì đã được hóa giải bằng việc những người tham gia đối chất đều nhận ra giọng nói của cô.

Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao:

Quyết định của tòa liệu có đúng luật?

Theo Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP- VKSNDTC-TANDTC thì bà Mai Phương có quyền yêu cầu. Nhưng bà phải đưa ra được bằng chứng cho thấy do làm chứng nên bà đã bị hoặc sẽ bị xâm hại ở mức độ nguy hiểm đáng kể đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản. Nếu có, bà Mai Phương phải yêu cầu bằng văn bản, nếu thuộc trường hợp khẩn cấp thì mới được yêu cầu trực tiếp bằng lời nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.

Thông tư này cũng hướng dẫn tùy từng vụ án cụ thể, trước khi đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần trao đổi thống nhất với cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về việc áp dụng các hình thức để bảo đảm việc giữ bí mật cho người được bảo vệ (trong đó có việc cách ly và thực hiện việc hỏi kín đối với họ). Ở đây, phiên tòa đang diễn ra, tòa phải quyết định áp dụng biện pháp dẫn giải mới “triệu” được bà Phương đến tòa thì liệu có thuộc trường hợp mà Thông tư liên tịch số 13/2013 hướng dẫn không? Giả thiết có chiếu cố thì không biết chủ tọa phiên tòa đã trao đổi bằng văn bản với CQĐT? Mặt khác, nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với họ thì tòa đề nghị (bằng văn bản) CQĐT trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với họ.

Không biết các thủ tục cần thiết trên HĐXX đã thực hiện đúng chưa mà đã vội đồng ý cho bà Mai Phương được ngồi trong phòng kín để trả lời!

Ông VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:

Tòa làm vậy là sai!

Theo Điều 55 BLTTHS 2003, bà Mai Phương - người làm chứng có quyền yêu cầu tòa có biện pháp bảo vệ mình khi ra tòa trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án. Đối với yêu cầu được ngồi trong phòng kín thực hiện thẩm vấn, đối chất bằng âm thanh qua micro, theo tôi, tòa không thể chấp nhận. Yêu cầu này tôi chưa từng gặp trong suốt quá trình hơn 30 năm làm công tác xét xử.

Khi nhân chứng trả lời các câu hỏi, tòa có thể cách ly các bị cáo để nhân chứng trả lời HĐXX và những người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, việc thẩm tra lý lịch nhân chứng, cam kết khai báo trung thực, thực hiện việc đối chất, trả lời phải được công khai tại tòa. Nhân chứng Mai Phương không thể làm người giấu mặt. Tòa phải làm thủ tục công khai, nhân chứng trả lời công khai những gì mình biết liên quan đến vụ án.

Nhân chứng Mai Phương đã có lệnh dẫn giải của tòa vì không đến tòa theo giấy triệu tập. Tức là người này cũng không còn quyền lựa chọn hay đề nghị về khai báo riêng, mọi lời khai phải được công khai cho mọi người biết.

Có thể cho cách ly

Tùy từng vụ án cụ thể, trước khi đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần trao đổi thống nhất với cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về việc áp dụng các hình thức để bảo đảm việc giữ bí mật cho người được bảo vệ (gồm cả người làm chứng) như cấm ghi hình, ghi âm, chụp ảnh tại phiên tòa; không công bố họ tên, lai lịch của người được bảo vệ; cách ly người được bảo vệ và thực hiện việc hỏi kín đối với người được bảo vệ...

(Trích khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC)

Khi nào được hỏi kín?

Người được bảo vệ được các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản khi có căn cứ về việc họ đã hoặc sẽ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản… Căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại được hiểu là đã bị xâm hại hoặc có sự đe dọa xâm hại ở mức độ nguy hiểm đáng kể hoặc căn cứ vào tính chất đặc biệt nguy hiểm của loại tội phạm và vai trò quan trọng của người làm chứng... cần phải có biện pháp bảo vệ để đảm bảo an toàn cho người được bảo vệ và yêu cầu hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

(Trích khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 13/2013)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới