Ngày 4-10, xác nhận với PLO đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận đơn của anh Trần Mạnh Hùng (37 tuổi, ngụ xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) xin miễn trừ hành vi vi phạm giao thông trường hợp chạy quá tốc độ để đưa người đi cấp cứu.
Cứu người trong trường hợp khẩn cấp
Anh Trần Mạnh Hùng kể, khuya 2-9, anh sử dụng xe ô tô của mình để chở chị Phạm Thị Thanh Thơm (30 tuổi, ngụ cùng xã) đi cấp cứu, do chuyển dạ sắp sinh.
Đến khoảng 23 giờ 45 phút cùng ngày, chiếc xe ô tô của anh đã đến khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Đến ngày 22-9, anh Hùng nhận thông báo phạt nguội từ Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk về việc phương tiện ô tô vi phạm tốc độ. Cụ thể, xe anh Hùng đã đi với vận tốc 65km/h, trong khi ở khu vực có biển báo tốc độ tối đa cho phép là 50 km/h.
Ngoài việc đóng phạt từ 4 triệu đến 6 triệu đồng, anh Hùng còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Nhận thấy bản thân mình giúp người khác trong tình huống khẩn cấp, nên anh Hùng đã lên Phòng CSGT trình bày sự việc.
“Bản thân tôi xác định rõ, đây là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, do lo lắng cho sức khỏe, tính mạng thai phụ, đang chờ cấp cứu trên xe nên tôi không còn cách nào khác.
Nếu căn cứ Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính thì hành vi của tôi thuộc về một số tình huống cấp thiết, bất khả kháng khi tham gia giao thông và được miễn”, anh Hùng cho hay.
Ngay sau đó, anh Hùng đã làm đơn, cùng chứng nhận của các bên liên quan gửi Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk.
Phòng CSGT cho rằng để có cơ sở trình báo cấp có thẩm quyền xử lý trường hợp của anh Hùng thì cần phải có các chứng cứ chứng minh, như camera hành trình ghi lại lịch chuyến đi tối 2-9 hoặc có camera của bệnh viện, nơi anh Hùng đã đưa thai phụ đi cấp cứu.
Thuộc trường hợp được miễn xử lý vi phạm
Trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho hay hiện nay thẩm quyền xử lý trường hợp như của anh Trần Mạnh Hùng là của Cục CSGT (Bộ Công an). Vị này cho rằng, đối với những trường hợp như anh Hùng là được xem xét để miễn xử lý vi phạm hành chính, nếu có cơ sở chứng minh.
“Chúng tôi ghi nhận đơn giải trình của người vi phạm, đồng thời chia sẻ hành vi này là tốt cho xã hội. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra sau này… người điều khiển phương vi phạm phải chứng minh được tối hôm đó chở thai phụ đi cấp cứu. Chẳng hạn, trích xuất camera hành trình của ô tô, camera an ninh của bệnh viện làm cơ sở để xem xét”, vị lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin.
Trong khi đó, anh Trần Mạnh Hùng cho biết, dữ liệu trên ô tô của anh không còn trong hệ thống, do thẻ nhớ bị đầy.
Còn đại diện Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho hay, hiện bệnh viện đã nhận đơn của bà Phạm Thị Thanh Thơm xác nhận: Ông Hùng chở bà Thơm đến bệnh viện tối 2-9 và giấy tờ nhập viện của thai phụ.
Vị đại diện phía bệnh viện thông tin thêm ngay cổng ra vào khoa cấp cứu không gắn camera; Ngoài sảnh đậu xe thì có camera chung cho toàn sân, nhưng dữ liệu cũng chỉ lưu giữ bảy ngày. Sau thời gian này, dữ liệu tràn, nên cũng không còn lưu trữ để xác minh phương tiện của anh Trần Mạnh Hùng có đến bệnh viện hay không.
Nói về tình huống này, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết trong trường hợp dữ liệu bị mất, xóa… (như trên) thì phải có phía bệnh viện xác nhận; hoặc người nhà hay ai đó xác nhận cho trường hợp này chở người đi cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp.
“Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, chúng tôi mới có văn bản gửi cho Cục CSGT (Bộ Công an) để gỡ hình ảnh vi phạm phạt nguội trên hệ thống”, vị này thông tin.
Luật sư Nguyễn Thanh Huy, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông cho rằng, yêu cầu của CSGT (như trên) là có cơ sở. Mục đích của việc làm này là để tránh bị lợi dụng danh nghĩa đưa người đi cấp cứu khẩn cấp để được miễn xử lý vi phạm giao thông.
“Trong trường hợp của anh Trần Mạnh Hùng có thể lấy nhiều nguồn chứng cứ để chứng minh: Tối hôm bị phạt nguội có chở thai phụ. Đó là việc lấy giấy chứng sinh của bà Thơm, để so sánh xem ngày này có trùng với thời điểm bị phạt nguội hay không. Ngoài ra, có thể lấy thêm lời khai của thai phụ; các nhân chứng liên quan khác.
Phía cơ quan chức năng nên vào cuộc, lập biên bản để xác minh sự việc đó có thực tế hay không. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên dương những tấm gương sáng xả thân để cứu người”, luật sư Nguyễn Thanh Huy phân tích.