Chống dịch COVID-19: 'Chúng ta chỉ mới thắng trận đầu!'

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy khi chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng nay 25-2. 

Ca bệnh thứ 16 xét nghiệm âm tính lần 2

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay ông vừa nhận được thông báo ca bệnh thứ 16 đã cho kết quả xét nghiệm lần hai âm tính với COVID-19. Tính đến thời điểm này Việt Nam đã chữa khỏi cho 16 ca bệnh, trong đó có những trường hợp có nhiều bệnh nền.

“Đến ngày hôm nay với tất cả sự khiêm tốn cầu thị, có thể nói chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia có nguy cơ cao lây nhiễm nhưng chỉ có 16 ca dương tính. Chúng ta đã kết hợp nhiều biện pháp, chữa thành công nhiều trường hợp, đến giờ phút này 16 bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn” - Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý “không được chủ quan, lơi lỏng” trước diễn biến mới của dịch, vì hiện nhiều quốc gia khác có nền y tế tiên tiến hơn cũng đang bị bùng phát dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

“Thủ tướng nói chống dịch như chống giặc. Tôi cho rằng chống dịch như một cuộc chiến, chúng ta đã thắng trận mở màn nhưng còn cả một cuộc chiến vì tình hình dịch rất phức tạp. Ai cũng biết Hàn Quốc có nền y tế tốt hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng vì lý do nào đó đã có hàng trăm trường hợp nhiễm cùng lúc. Đến nay người dân Việt Nam đã có ý thức phòng chống dịch nhưng có một số nơi có biểu hiện chủ quan. Tôi xin cảnh báo, chúng ta không được chủ quan, nơi lỏng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ông, để đạt kết quả trên Việt Nam đã chủ động phòng chống dịch từ sớm (giữa tháng 12), với tinh thần chống dịch không có tết. Đặc biệt từ mốc giao thừa, Việt Nam đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Sau này WHO cũng đánh giá Việt Nam áp dụng biện pháp này kịp thời, đúng đắn.

Ông nhấn mạnh phương châm chống dịch năm điểm gồm: Ngăn chặn triệt để; phát hiện và phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; khoanh vùng và khoanh thật gọn; dập tắt và dập tắt triệt để.

“Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện bốn kịch bản ứng phó dịch. Trong đó cấp độ thứ tư của dịch là có 1.000 ca nhiễm và thậm chí cấp độ cao hơn. Luôn luôn lường trước tình huống xấu hơn để tình hình không xấu đi. Tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra", Phó Thủ tướng nói và đề nghị lực lượng phòng chống dịch COVID 19 tiếp tục bám sát các phương châm năm điểm này.

Quyết định khoanh vùng dập dịch là đúng đắn! 

Tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương - người trực tiếp tham gia đội phản ứng nhanh của Bộ Y tế tại Vĩnh Phúc, đã báo cáo về công tác triển khai phòng, chống dịch tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Ông Dương cho hay ngay khi phát hiện các ca mắc, nghi mắc bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã thiết lập hệ thống giám sát chủ động, lập danh sách toàn bộ các gia đình trong xã, tổ chức các nhóm được tập huấn để theo dõi y tế. Đặc biệt đã tổ chức phân loại nhóm đối tượng, lớp cách ly để có phương án theo dõi y tế phù hợp, trong đó đối tượng trong gia đình, bạn bè thân có nguy cơ lây nhiễm cao từ người bệnh được cách ly theo dõi tại cơ sở y tế tập trung; đối với những ca bệnh nguy hiểm phải tập trung điều trị ở những nơi chuyên biệt, tập trung nguồn lực. Bài học của Hàn Quốc đã chỉ ra điều này khi nhiều bệnh nhân điều trị chung tại bệnh viện tạo ra nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo.

“Cho đến nay qua 12 ngày, Sơn Lôi chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới… Có thể khẳng định quyết định khoanh vùng, dập dịch của chúng ta là đúng đắn, kịp thời” - ông Dương khẳng định.

Sau khi nghe ông Dương báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phải gấp rút soạn sổ tay hướng dẫn phòng dịch từ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 tại Sơn Lôi để ban hành trong cả nước, ngay trong sáng mai phải trình lên phiên bản đầu tiên của cuốn sổ tay này.

“Tôi đề ghị ngay sáng mai (26-2), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phải có phiên bản đầu của cuốn sổ tay này để phổ biến kinh nghiệm cho các địa phương khác đề phòng trường hợp xuất hiện vùng dịch như Sơn Lôi” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm