'Chống dịch không quyết liệt sẽ lãnh hậu quả khôn lường'

Kỳ nghỉ lễ gần kề, trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát vì tụ tập đông người và nguồn dịch từ các nước láng giềng xâm nhập, TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang nỗ lực để sẵn sàng chống dịch với sự hỗ trợ và giám sát của Bộ Y tế.

TP.HCM họp khẩn, quyết liệt phòng chống COVID-19 biến thể

Sáng 26-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP để triển khai các giải pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết TP đã trải qua 73 ngày không có trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch trên thế giới còn diễn biến phức tạp, đặc biệt chủng mới tại một số nước có tốc độ lây lan nhanh, trong đó ở các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia có số ca nhiễm tăng nhanh, tỉ lệ tử vong cao. Do vậy, TP.HCM vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các ngành, các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, phải quyết liệt các biện pháp chống dịch, giữ vững thành quả trong thời gian qua.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt việc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng, khu vui chơi giải trí, sân bay, chợ, siêu thị… cần được kiểm tra gắt gao và xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang.

Ông cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, cách ly, theo dõi y tế sau cách ly.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: “Ban chỉ đạo các cấp cần khuyến khích cán bộ, nhân viên không rời vị trí, ở lại TP phòng chống dịch”. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế cần hoàn thiện các kịch bản khi xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng ở TP và chuẩn bị các phương án đáp ứng nhu cầu điều trị nếu số ca bệnh và số người cách ly giám sát y tế gia tăng; động viên đội ngũ y, bác sĩ chống dịch, bố trí nhân viên trực phòng chống dịch trong những ngày nghỉ lễ để họ yên tâm công tác và làm tròn trách nhiệm.

Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu kích hoạt lại toàn bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trên các lĩnh vực đã được ban hành, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo. “Ban chỉ đạo các cấp cần khuyến khích cán bộ, nhân viên không rời vị trí, ở lại TP phòng chống dịch. Chúng ta cần những biện pháp quyết liệt, nghiêm túc, nếu không chúng ta sẽ trả giá bằng những hậu quả khôn lường” - ông Phong nói.

Đối với các hoạt động kỷ niệm dịp lễ 30-4, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu không tổ chức bắn pháo hoa. “Bây giờ virus biến thể COVID-19 phát triển rất nhanh. Đọc các thông tin hiện nay trên báo, tình hình Ấn Độ rất kinh khủng. Tôi cũng muốn không khí rộn ràng nhưng những hoạt động này phức tạp, tập trung rất đông người, lỡ xảy ra chuyện gì ân hận không kịp” - ông Phong nói.

 

Thêm sáu ca mắc mới COVID-19, được cách ly sau khi nhập cảnh

Theo bản tin 18 giờ của Bộ Y tế về tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 26-4, Việt Nam ghi nhận sáu ca mắc mới.

Sáu ca mắc mới (BN2847-2852) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP.HCM (hai ca), Bà Rịa-Vũng Tàu (một ca) và Hà Nội (ba ca).

An Giang: Xử nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép

“An Giang là tỉnh có đường biên giới dài gần 100 km với nước láng giềng, có hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn, lối mở, bến đò ngang. Nhiều đối tượng lợi dụng đêm tối để nhập cảnh trái phép vào tỉnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào cộng đồng là rất lớn...” - Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Tuấn báo cáo những khó khăn tại buổi tiếp đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang trong ngày 26-4.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao các biện pháp kiểm soát dịch hết sức quyết liệt của An Giang ở tuyến biên giới và ấn tượng với sự huy động sức mạnh tham gia chống dịch của người dân.

Thứ trưởng Trường Sơn lo ngại cả nước đã trải qua nhiều ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, người dân không tránh khỏi lơ là, chủ quan. Trong bối cảnh tỉnh chuẩn bị bước vào dịp nghỉ hè và tổ chức các lễ lớn như 30-4, lễ hội vía chùa Bà, Thứ trưởng Trường Sơn đề nghị: “Tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện, xây dựng kế hoạch kiểm soát người nhập cảnh từ biên giới và có kịch bản ứng phó khi số lượng người nhập cảnh và ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao để có tinh thần ứng phó chủ động, quyết liệt”.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng lực lượng chức năng sẽ gặp nhiều khó khăn khi quản lý người nhập cảnh trái phép. Do đó, tỉnh phải xây dựng thế trận toàn dân để huy động sức mạnh tham gia chống dịch của người dân. Trong đó, mỗi nhà là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, quan tâm hỗ trợ hoạt động các tổ COVID cộng đồng để kêu gọi sự tham gia phát hiện người lạ kịp thời, có chính sách khen thưởng người dân phát giác người nhập cảnh trái phép.

Cần Thơ: Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là hiện hữu

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế đã đến làm việc với Bệnh viện (BV) đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ và UBND TP Cần Thơ về công tác phòng chống dịch COVID-19 và công tác y tế.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Thực sự chúng tôi rất quan ngại vấn đề lây nhiễm COVID-19 có thể xảy ra ở biên giới Tây Nam. Cho nên Bộ Y tế đã cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ tư.

Đối với TP Cần Thơ, chúng tôi vẫn coi đây là khu vực rất trọng điểm vì là đầu mối giao thông cho cả khu vực, một lượng người đi qua TP rất lớn. Tới đây, ngày lễ 30-4, 1-5, người dân đi du lịch nhiều, dễ xảy ra tình trạng lơ là phòng chống dịch nên chúng tôi rất lo lắng.

Có một bộ phận người dân lơ là như tập trung đông người, không đeo khẩu trang, không triển khai biện pháp phòng chống dịch thì nếu xảy ra, chúng tôi tiên đoán rất nặng nề”.

Bộ trưởng đánh giá cao công tác phòng chống dịch của TP Cần Thơ. Theo đó, Bộ trưởng Long đề nghị TP rà soát lại tất cả kịch bản phòng chống dịch, tập trung khâu trọng điểm, trong đó có vấn đề xét nghiệm. Cạnh đó là triển khai tầm soát xét nghiệm các ca bệnh trong cộng đồng, càng phát hiện sớm bao nhiêu sẽ càng giảm được tác động của dịch bấy nhiêu.

 

Gấp rút hoàn thành BV dã chiến 800 giường ở Cần Thơ

Cũng trong ngày 26-4, lãnh đạo BV đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết đã chuẩn bị BV dã chiến số 4 theo yêu cầu của Bộ Y tế (trưng dụng từ Trung tâm Y tế huyện Phong Điền) 400 giường, có khả năng mở rộng 800 giường. BV đã chuẩn bị phương tiện, con người, dự kiến có thể huy động lực lượng trong 10 ngày khi cần thiết sử dụng BV dã chiến.

Chỉ đạo về việc này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị không phải 10 ngày mà phải “triển khai ngay, trên tinh thần càng nhanh càng tốt, với quy mô nâng dần lên và phải triển khai tất cả chuyên môn kỹ thuật của BV dã chiến”. NHẪN NAM

Ngày 27-4, Hậu Giang bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 26-4, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết vừa ban hành Kế hoạch số 77 về tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2022.

Theo kế hoạch, Hậu Giang phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ có 30% đối tượng nguy cơ và cộng đồng được tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19 và dự kiến đến cuối năm 2022 con số này sẽ lên 80%. Kế hoạch tiêm chủng này sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo thống kê, Hậu Giang có 421.608 người thuộc nhóm người cần tiêm vaccine phòng COVID-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên và 638.119 người thuộc nhóm nguy cơ và cộng đồng trên 18 tuổi không thuộc diện ưu tiên.

Dự kiến Sở Y tế sẽ triển khai tiêm đợt 1 đồng loạt trên toàn tỉnh từ ngày 27-4 đến 11-5 với khoảng 3.900 liều. Những người tiêm vaccine đợt này là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp, các thành viên tiểu ban và 55% cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống dịch. CHÂU ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm