Chính phủ vừa ban hành Đề án Văn hóa công vụ nhằm hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó đáng chú ý có điểm mới là, cán bộ công chức không được "nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng..." đối với cấp trên!
Đằng sau mối quan hệ nịnh bợ là gì?
Ngoài những quy tắc chuẩn mực đạo đức lâu nay vẫn được nhắc đi nhắc lại ra, thì lần này, Chính phủ quyết định đột phá thêm, "nắn" cả thái độ của cấp dưới đối với cấp trên, sao cho mối quan hệ này trở nên trong sáng, khi xét bối cảnh hiện nay có quá nhiều nhóm lợi ích. Và tất nhiên, khi đã tồn tại những nhóm lợi ích, thì chuyện nịnh bợ lấy lòng cấp trên là dễ xảy ra.
Và cần hiểu ra rằng, đã là nịnh bợ, lấy lòng thì ẩn sau đó đương nhiên là vì động cơ không trong sáng, vì tất cả đều là con người bình đẳng với nhau không ai tự dưng phải đi nịnh bợ người khác làm cái gì, nếu không có mục đích ẩn đằng sau đó. Chính vì vậy chống nịnh bợ lấy lòng là một chủ trương đúng đắn, bởi ai cũng hiểu được các nhóm lợi ích bao gồm những mối quan hệ nịnh bợ lấy lòng nhau để dung túng cho việc sai trái, là nguyên nhân gây tàn phá đất nước.
Xem xét lại cả chiều dài lịch sử hàng nghìn năm nay đã cho thấy, cứ triều đại nào mà có nịnh thần phát triển, thì y như rằng có gian thần hoành hành, làm suy sụp triều đại.
Do đó có thể nói, nịnh thần chính là nguyên nhân sụp đổ của các triều đại !
Thế cho nên, hơn 600 năm trước, vào thời nhà Trần đời vua Trần Dụ Tông (1336 - 1369), trong triều bọn gian nịnh tung hô nịnh hót che mắt vua, để sau lưng thì hoành hành, vi phạm quốc pháp để trục lợi. Thấy trước nguy cơ nhà Trần sẽ suy vong vì bọn gian nịnh, Chu Văn An (1292 - 1370) lúc bấy giờ làm chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, đã dâng Thất trảm sớ xin vua chém 7 tên nịnh thần để ngăn ngừa nhà Trần sụp đổ.
Vua không nghe, Chu Văn An dự liệu rằng nhà Trần sẽ tiêu vong nên ông đã cáo quan về quê ở ẩn. Về sau nhà vua có nhiều lần vời ông ra làm quan tiếp, nhưng ông nhất quyết từ chối. Và quả nhiên sau đó do nhà vua tiếp tục sa đà vào đám nịnh thần tung hô nịnh hót, nên mắc nhiều sai lầm làm nhà Trần trượt dốc xuống thảm họa sụp đổ.
Cho nên, Đề án Văn hóa công vụ hiện nay ngăn cấm nịnh bợ, lấy lòng cấp trên, chính là để ngăn ngừa cái hậu họa đó.
Nịnh bợ lấy lòng nhau để dung túng cho việc sai trái
Ở đây cần hiểu rõ hơn rằng, trong mối quan hệ giữa con người với nhau, bất kỳ sự phản hồi lại trong giao tiếp đều đóng vai trò như là cái gương phản chiếu để người đối diện nhận thấy mình trong đó. Cho nên việc nịnh bợ, lấy lòng cấp trên sẽ giống như khi cho người khác soi một cái gương "photoshop" khuôn mặt của họ vậy. Làm cho người ta thấy mình đẹp long lanh, trong khi thực tế lại có thể đầy những khiếm khuyết.
Do đó việc nịnh bợ, lấy lòng cấp trên thực ra chỉ là lừa dối cấp trên một cách khéo léo. Và việc nịnh bợ, lấy lòng cấp trên cũng chính là hành vi "tô hồng" mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến, yêu cầu loại bỏ. Vì việc nịnh bợ "tô hồng" này làm cho mối quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên không còn trong sáng nữa, mà tiềm ẩn trong đó sự thiên vị, dung túng bao che cho những việc làm sai trái.
Và cũng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, tuy không "tô hồng" nhưng cũng không phải là "bôi đen". Cho nên với cấp trên, thì cấp dưới cứ việc phản hồi trung thực, khách quan, có thế nào nói thế, cái gì tích cực thì nói là tích cực, cái gì tiêu cực thì cũng phải nói thẳng là tiêu cực, và mức độ đến đâu thì phản ánh đúng đến đấy.
Như vậy cần hiểu quan điểm của Chính phủ ở Đề án này rằng, cấp trên cần cấp dưới ứng xử là ở sự phản hồi trung thực về mình, để biết những khiếm khuyết nếu có mà sửa chữa, bổ sung kịp thời, và phát huy những mặt tích cực của mình. Chứ không phải cần những lời tâng bốc nịnh hót, những hành vi lấy lòng, nghe xem thì có vẻ đối xử tốt nhưng thực ra lại là sự lừa dối, che mắt cấp trên.
Và đúng dịp Chính phủ ra mắt Đề án Văn hóa công vụ trong đó chống hành vi nịnh bợ lấy lòng cấp trên này, thì lại xuất hiện thông tin xe biển xanh công vụ của Bộ Công Thương được cán bộ của Bộ này điều động tới tận chân cầu thang máy bay để đón ...vợ sếp (Bộ trưởng) !?
Như vậy, là đây là thử thách tính khả thi đầu tiên của Đề án Văn hóa công vụ, trong đó có chống hành vi nịnh bợ, lấy lòng cấp trên này.
Mặc dù mới đây (ngày 8-1-2019), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã lên tiếng xin lỗi về việc người nhà mình được ưu ái đón bằng xe công vụ. Trong thư xin lỗi, ông cho biết: “sẽ rà soát, kiểm tra lại toàn bộ vụ việc để đảm bảo không xảy ra vụ việc tương tự trong tương lai”. Đây là điều đáng ghi nhận.
Thế nhưng dư luận có quyền đặt ra câu hỏi rằng, nếu như Bộ trưởng không chủ trương cho xe công vụ đưa đón cả người nhà mình như thế, tức là không chấp nhận cấp dưới nịnh bợ cấp trên, thì tại sao Bộ trưởng không xử lý kỷ luật đối với hành vi nịnh bợ của cấp dưới đã bị ngăn cấm theo Đề án Văn hóa công vụ (đã có quyết định phê duyệt trước đó, vào ngày 27-12-2018)? Hành lang pháp lý đã có, vậy tại sao Bộ trưởng không sử dụng?