Bà Bùi Thị Thu Hà (bị đơn trong một vụ ly hôn) đang khiếu nại quyết định cấm xuất cảnh ngày 14-6 của TAND quận 1 (TP.HCM) đối với bà.
Bà Hà đang trao đổi về vụ việc của mình với phóng viên. Ảnh: H.YẾN
Bị cấm xuất cảnh vì chồng ly hôn
Bà Hà trình bày: Vợ chồng bà kết hôn năm 2003, có một con gái chung sinh năm 2009. Do có nhiều mâu thuẫn nên hai vợ chồng đã thỏa thuận sống ly thân từ cuối năm 2011. Tài sản chung vào thời điểm ly thân cũng đã thỏa thuận phân chia xong.
Tháng 10-2015, công ty nơi bà Hà làm việc cử bà sang Singapore công tác với thời hạn ba năm. Hai tháng sau, bà đưa con gái sang sống và học tại Singapore. Ngày 11-6-2016, bà nghỉ phép đưa con gái về Việt Nam chơi trong dịp nghỉ hè. Đến ngày 17-6, mẹ con bà làm thủ tục sang Singapore để con tham gia khóa học hè thì bị chặn tại cửa xuất cảnh do quyết định cấm xuất cảnh của TAND quận 1.
Bà Hà tìm hiểu thì được biết tháng 5-2016, chồng bà nộp đơn ở TAND quận 1 xin ly hôn, đồng thời đề nghị tòa cấm bà xuất cảnh với lý do đang trong thời gian chờ ly hôn, bà đã tẩu tán tài sản chung ra nước ngoài và đang hoàn tất thủ tục xuất cảnh, trốn tránh nghĩa vụ phân chia tài sản. Sau đó, TAND quận 1 đã chấp nhận đề nghị của chồng bà bằng quyết định trên.
Để thuận tiện cho giải quyết án, thi hành án?
“Tòa ra quyết định cấm tôi xuất cảnh mà lại không hề liên lạc với tôi để lấy lời khai hay xác minh gì cả. Tôi không vi phạm pháp luật, đây chỉ là vụ kiện về hôn nhân nhưng việc tòa cấm xuất cảnh đã khiến tôi có nguy cơ bị mất việc ở Singapore. Con gái tôi bị ảnh hưởng tinh thần nặng nề vì không được quay lại học hè, gặp gỡ bạn bè cũng như có nguy cơ không được nhập học ngôi trường cháu yêu thích ở nước bạn” - bà Hà bức xúc. Cũng theo bà Hà, công ty nơi bà làm việc cũng đã gửi công văn đến tòa yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm xuất cảnh để bà quay lại Singapore…
Trong khi đó, thẩm phán giải quyết vụ án lý giải: Sau khi nhận được yêu cầu của chồng bà Hà, tòa đã gửi thư mời bà Hà đến làm việc nhưng không nhận được phản hồi. Người chồng cho rằng bà Hà chuyển tài sản chung đang tranh chấp ra nước ngoài, đang hoàn tất thủ tục sang Mỹ định cư nên sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án và thi hành án. Vì vậy, tòa buộc phải khẩn cấp ra quyết định cấm xuất cảnh đối với bà Hà để xác minh, thu thập thông tin phục vụ cho phiên tòa xử ly hôn, chia tài sản.
Vị thẩm phán này cho biết thêm dù sau đó bà Hà có đến tòa làm việc nhưng căn cứ vào hồ sơ hiện tại, tòa vẫn không thể hủy bỏ quyết định cấm xuất cảnh theo yêu cầu của bà Hà mà chỉ có thể cố gắng xét xử vụ án này trong thời gian sớm nhất.
TAND quận 1 cũng đã có quyết định giải quyết khiếu nại của bà Hà với nội dung bác yêu cầu hủy bỏ quyết định cấm xuất cảnh ra nước ngoài. Theo lãnh đạo tòa, căn cứ theo khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 thì “đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng”.
Cần sớm có hướng dẫn
Trao đổi, nhiều thẩm phán cho biết đương sự có quyền yêu cầu tòa áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 BLTTDS 2015. Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời này để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà tòa có quyền áp dụng là “cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ” theo khoản 13 Điều 114 và Điều 128 BLTTDS 2015. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thế nào là “người có nghĩa vụ” quy định tại các điều khoản này. Quyết định có áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh hay không tùy thuộc vào sự cân nhắc của thẩm phán trong từng trường hợp cụ thể nên có thể gây tranh cãi. Cạnh đó, còn nhiều điểm khác cũng cần hướng dẫn làm rõ như nếu đương sự là “người có nghĩa vụ” nhưng đã ủy quyền hợp pháp cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của đương sự trong vụ án thì thẩm phán có cấm đương sự xuất cảnh? Hoặc nếu cấm xuất cảnh rồi thì có thu hồi quyết định?
Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), một điểm chưa rõ nữa là BLTTDS 2015 chưa quy định thời gian cấm xuất cảnh nên ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bị áp dụng biện pháp này. Mặt khác, BLTTDS 2015 chưa phân biệt cụ thể đương sự là người có quốc tịch Việt Nam, người có hai quốc tịch (có quốc tịch gốc là Việt Nam), người nước ngoài. Do đó, áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với ba dạng đối tượng này đều như nhau hay mỗi dạng đối tượng là khác nhau cũng chưa rõ.
Ngoài ra, BLTTDS 2015 dùng từ “cấm xuất cảnh”. Trong khi đó, pháp luật chuyên ngành lại dùng từ khác. Chẳng hạn, với người nước ngoài, Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chỉ dùng từ “tạm hoãn xuất cảnh” (luật này quy định thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá ba năm và có thể gia hạn). Với công dân Việt Nam ở trong nước, Nghị định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong Văn bản hợp nhất số 07 ngày 31-12-2015 của Chính phủ chỉ dùng từ “chưa được xuất cảnh”.
Vì còn nhiều điểm chưa rõ, chưa thống nhất về biện pháp cấm xuất cảnh trong BLTTDS 2015 nên các thẩm phán, chuyên gia đều đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sớm có hướng dẫn để áp dụng thống nhất, tránh gây tranh cãi, khiếu nại vì những cách hiểu khác nhau.