Chiều 29-8, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực đã tổ chức buổi chia sẻ thông tin việc xử lý tòa nhà này của cơ quan chức năng trong suốt thời gian qua. Đây là lần đầu tiên, sau gần hai năm im lặng, chủ đầu tư tòa nhà mới lên tiếng phản ứng…
Tố cơ quan chức năng làm sai
Tại buổi chia sẻ này, ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực (chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực), cho rằng việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực trong hai năm qua của các cơ quan chức năng là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ đầu tư và người mua nhà.
Chứng minh cho nhận định trên, ông Hùng đưa ra các căn cứ: Thứ nhất, tòa nhà 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình) được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại lô đất L30 của công ty, do UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 2452 ngày 5-12-2008.
Chỉ tiêu quy hoạch là chiều cao của công trình tối đa 70 m và cụm hỗn hợp cao 17 tầng, khối đế năm tầng (chưa tính hai tầng kỹ thuật, một tầng mái). Đồng thời, ngày 7-4-2009, Sở Xây dựng đã có văn bản thẩm định công trình được xây cao 69,1 m và 20 tầng nổi gồm 17 tầng, hai tầng kỹ thuật và một tầng mái.
Thứ hai, việc cưỡng chế phá dỡ công trình căn cứ vào giấy phép xây dựng số 11 ngày 24-3-2014 của Sở Xây dựng (giấy phép cấp công trình được xây cao 53 m, 18 tầng nổi bao gồm cả tầng kỹ thuật, tum thang và bốn tầng hầm) là sai vì không đúng với quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt. Đồng thời, công trình thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp phép xây dựng… Bên cạnh đó, việc phá dỡ phần giật cấp tòa nhà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình.
“Tại sao chúng tôi không kêu ngay từ đầu, thậm chí còn xin tự phá dỡ mà đến giờ mới kêu? Chúng tôi đã tự “chặt tay” để muốn cho mọi việc bình yên. Nhưng đến giờ sự việc đã kéo dài hai năm, doanh nghiệp khổ, người dân khổ” - ông Hùng nói.
Ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực, phát biểu tại buổi chia sẻ thông tin. Tòa nhà 8B Lê Trực bị tháo dỡ phần vi phạm chiều cao (ảnh nhỏ). Ảnh: TP
“Bất đắc dĩ phải khởi kiện”
Một trong những thông tin đáng chú ý chủ đầu tư đưa ra là cơ quan chức năng đã phá vỡ thỏa thuận công ty giao đất để được phê duyệt quy hoạch xây tòa nhà cao 70 tầng.
Ông Hùng cho hay để được phê duyệt quy hoạch có quy mô chiều cao công trình 69,1 m và 20 tầng, công ty của ông đã phải cam kết và thực hiện xong việc bàn giao cho TP 1.941 m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài. Với điều kiện là công ty không yêu cầu TP phải bồi thường diện tích đất tương đương khác. Cụ thể, tại Văn bản 499 ngày 16-3-2009, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã yêu cầu chủ đầu tư phải: “Thực hiện cam kết không yêu cầu TP bồi thường phần diện tích đất dành mở đường của TP khi giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch mà công ty đã nêu tại Công văn 99 ngày 8-1-2008”.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, nhà 8B Lê Trực được xây cao đến đỉnh tum thang là 53 m. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19. Tổng chiều cao thực tế khoảng 69 m (vượt khoảng 16 m, tương đương với năm tầng). Về diện tích sàn, xây dựng khoảng 36.000 m2 (giấy phép xây dựng là 29.874 m2), tăng khoảng 6.126 m2. Về khoảng lùi giật cấp, từ tầng tám (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (đã xây dựng thẳng đến mái). Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp, làm tăng diện tích sàn xây dựng. |
“Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã bị hồi tố cấp giấy phép chiều cao công trình chỉ còn 53 m và 18 tầng, không đúng với tiêu chuẩn thiết kế. Việc này là không đúng với quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, không nhất quán trong chính sách đầu tư và không thực hiện đúng cam kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp” - ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết trước các xử lý của cơ quan chức năng, chủ đầu tư đã khởi kiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2673 ngày 12-10-2015 của UBND quận Ba Đình. Quyết định này yêu cầu tháo dỡ phần vi phạm chiều cao và diện tích của tòa nhà 8B Lê Trực vượt so với giấy phép xây dựng được cấp.
Cũng theo ông Hùng, công ty của ông đã làm thủ tục khởi kiện ra TAND TP Hà Nội. Tháng 10-2016, tòa đã có thông báo nhận hồ sơ, tuy nhiên từ đó đến nay phía công ty ông chưa nhận thêm phản hồi nào từ tòa.
“Chúng tôi bất đắc dĩ phải khởi kiện cơ quan nhà nước ra tòa. Đây là việc không doanh nghiệp nào muốn làm nhưng chúng tôi phải làm để tự cứu lấy mình…” - ông Hùng nói.
Bên nào cũng có cái lý, chờ tòa phán quyết Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 29-8, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc, cho biết Sở có Văn bản 449 (ngày 16-3-2009) về việc chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc dự án 8B Lê Trực. Theo văn bản này, Sở yêu cầu chiều cao công trình phải đảm bảo không quá 70 m (theo thỏa thuận của Bộ Tổng tham mưu tại Công văn 82 ngày 16-1-2008). Đặc biệt, văn bản cũng yêu cầu chủ đầu tư phải “thực hiện cam kết không yêu cầu TP bồi thường phần diện tích đất dành mở đường của TP khi giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch”. Về việc chủ đầu tư khẳng định công trình không vi phạm, cơ quan chức năng xử lý sai, ông Vinh cho hay: “Đó là việc của phía họ nói. Còn vụ việc này đã có kết luận thanh tra của TP. Thanh tra kết luận như thế nào thì cứ làm theo như vậy thôi” - ông Vinh nói. Còn lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hà Nội cho hay hiện vụ việc đã được cơ quan chức năng kết luận. Phía chủ đầu tư đã khởi kiện ra tòa, xử lý thế nào thì chờ tòa quyết định. “Việc này người ta đang gửi ra tòa, tòa thụ lý rồi, nói thế nào cũng khó. Bên này nói thế này, bên kia nói thế khác thì rất khó xác định căn cứ. Bên nào cũng có cách biện hộ và lý giải riêng của mình. Bây giờ chờ phán quyết của tòa thôi” - vị lãnh đạo này nói. |