Sai phạm và năng lực áp đặt sự tuân thủ

Thực ra việc các quan chức xây biệt phủ, biệt thự cũng như Mường Thanh xây dựng 104 căn hộ trái phép có nguồn cơn từ việc thực thi pháp luật, vốn là khâu yếu nhất trong nền quản trị của nước ta.

Có thể nói hệ thống pháp luật về xây dựng khá đầy đủ và ít nhiều được áp dụng đối với người dân. Những hành động mẫn cán của các cán bộ thanh tra xây dựng ở cấp phường, xã, quận, huyện đối với các công trình dân dụng sai phép đã được thực hiện. Hãy khoan nói về những mục đích khác của việc mẫn cán này nhưng rõ ràng pháp luật được áp dụng cho người dân nghiêm hơn và hiệu năng hơn.

Công trình Mường Thanh Sông Hàn xây dựng trái phép 104 căn hộ. Ảnh: LÊ PHI

Điều này có vẻ trái ngược với các công trình của những đại gia và các dự án lớn như 8B Lê Trực ở Hà Nội và Mường Thanh ở Đà Nẵng, cũng như việc chậm trễ cưỡng chế tháo dỡ những biệt thự, biệt phủ của quan chức nhiều tỉnh mà báo chí đã phanh phui.

Xét cho đến cùng, có những điều nằm ngoài các quy phạm pháp luật và tác động đến khả năng thực thi pháp luật của chính quyền. Lợi ích trong các vụ vi phạm có thể không hẳn là xung đột với lợi ích chung của xã hội nhưng nó xung đột với tính nghiêm minh cần có của pháp luật và trách nhiệm phải áp đặt sự tuân thủ của hệ thống công quyền.

Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, của các đại gia, nói gì thì nói, cũng phụ thuộc vào sự bất thiên vị của các cơ quan công quyền. Khi những sai phạm vẫn tồn tại mà không được xử lý rốt ráo thì hoặc là những sai phạm ấy đã được “bảo kê”, hoặc là những sai phạm ấy đem lại lợi ích cho những chủ thể liên quan. Mà những sai phạm trong xây dựng các dự án có thể sẽ liên quan đến lợi ích của những người có thẩm quyền phê duyệt và những chủ đầu tư vốn có nhiều quan hệ thân hữu với chính quyền.

Hẳn nhiên có một quy luật rằng: Những quy phạm pháp luật có tốt đến đâu mà khả năng thực thi không có hoặc bị chi phối thì những sai phạm sẽ cứ ngày càng tiếp diễn và trở nên nhức nhối, thách thức yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền.

Nếu mọi người đều bình đẳng trước pháp luật thì hiển nhiên chỉ có một cách xử lý chung đối với những sai phạm dù là của người dân hay của quan chức, đại gia. Tuy nhiên, thực tế trong việc xử lý những sai phạm nói chung và sai phạm trong xây dựng nói riêng đã không thể hiện được sự bình đẳng này. Pháp luật đã bị vượt qua khi tình trạng “phạt cho tồn tại” đã từng được áp dụng một cách trái nguyên tắc.

Nói gì đi nữa thì pháp luật chỉ đảm bảo được hiệu năng của mình khi nó được áp dụng một cách nhất quán, công bằng với mọi chủ thể trong xã hội. Thiếu điều này, niềm tin của công chúng vào pháp luật chẳng những không còn tồn tại mà ngay cả niềm tin vào những công chức thừa hành cũng không thể nảy nở và trở thành nền tảng cho sự chính danh của chính quyền.

Bởi lẽ ngoài việc phải đặt lợi ích công lên hàng đầu, tránh xung đột lợi ích thì bảo vệ niềm tin nơi công chúng chính là nhiệm vụ tự thân của cán bộ, công chức và hệ thống chính quyền. Đó là lý do duy nhất để công quyền tồn tại. Khi một hệ thống công quyền không đủ năng lực tuân thủ pháp luật thì chắc chắn cũng không có năng lực áp đặt sự tuân thủ đó cho xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm