Vi phạm xây dựng: Càng to càng dễ… thoát nạn

Với việc xây dựng 104 căn hộ trái phép tại dự án Mường Thanh - Sơn Trà ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Chi nhánh DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - khách sạn Mường Thanh Sông Hàn (chủ đầu tư) đã bị Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng xử phạt 40 triệu đồng.

Đáng nói, lệnh yêu cầu dừng thi công của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã không được đơn vị này chấp hành nghiêm túc. Giữa lúc nhiều dự án lớn có vi phạm vẫn chưa được xử lý rốt ráo, hành động của Mường Thanh càng khiến dư luận bất bình.

Nhà 8B Lê Trực: Gần hai năm “cắt ngọn” chưa xong

Tháng 9-2015, báo chí phát hiện tòa nhà 8B Lê Trực xây sai phép. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo. UBND TP Hà Nội có báo cáo thừa nhận chủ đầu tư đã tự ý xây vượt chiều cao 16 m (giấy phép 53 m nhưng xây thành 69 m), tương đương với năm tầng nhà; xây vượt diện tích sàn hơn 6.100 m2… Hà Nội cam kết xử lý cán bộ làm sai, cắt ngọn phần xây lố.

Đến nay, một số cán bộ buông lỏng trách nhiệm quản lý đã bị xử lý, thế nhưng phần xây dựng sai phép của tòa nhà vẫn chưa bị cắt bỏ. Được biết tới tháng 10-2016, Công ty Phương Bắc (do chủ đầu tư không thực hiện phá dỡ nên TP Hà Nội phải thuê nhà thầu này) mới hoàn thành giai đoạn 1 là phá dỡ phần tum thang và tầng 19. Riêng giai đoạn 2, phá dỡ phần xây sai phép còn lại và phần giật cấp vẫn chưa được thực hiện với lý do… đang nghiên cứu tìm phương án phá dỡ an toàn.

Sáng 18-5, có mặt tại nhà 8B Lê Trực, chúng tôi chứng kiến cảnh công trường phá dỡ ở đây vẫn án binh bất động, phía mặt đường hàng trăm khối phế thải bê tông (tháo dỡ trong giai đoạn 1) vẫn chưa được dọn dẹp. Như vậy sau gần 19 tháng, việc “cắt ngọn” phần xây dựng sai phép của công trình 8B Lê Trực vẫn chưa xong.

Trao đổi với PV, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Lê Văn Dục khẳng định: “Sẽ tiến hành làm bình thường. Chúng tôi vẫn đang đốc thúc các đơn vị đưa ra phương án phá dỡ giai đoạn 2”. Về việc Công ty Phương Bắc đề xuất dừng phá dỡ, cho thu dọn tháp cẩu, lãnh đạo Sở Xây dựng lý giải Công ty Phương Bắc chỉ là đơn vị được lựa chọn ký hợp đồng phá dỡ giai đoạn 1 và đơn vị này không có đủ chức năng và thẩm quyền gửi văn bản đề xuất UBND TP dừng phá dỡ.

Công trình 8B Lê Trực đã ngưng tháo dỡ từ nhiều tháng nay. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Đà Nẵng: Biệt phủ trăm tỉ vẫn chưa tháo dỡ xong

Theo ghi nhận ngày 18-5, ngôi biệt phủ trên 100 tỉ đồng của ông Ngô Văn Quang (Giám đốc Công ty TNHH Vàng Phước Minh) được xây dựng trái phép tại rừng đặc dụng Nam Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã tháo xong một số công trình nhà gỗ. Tuy nhiên, vẫn còn hai ngôi nhà chưa được tháo dỡ dù ông Quang từng hứa sẽ hoàn thành việc tháo dỡ trước 31-1-2016.

Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, xác nhận: Hiện nay quần thể biệt thự xây dựng trái phép đã được tháo dỡ hoàn toàn nhưng vẫn còn chừa hai căn nhà để ông Quang chứa số gỗ, toàn bộ đồ đạc và tài sản sau khi tháo dỡ.

Ông Hưng cho biết thêm hiện ông Quang đang làm đơn xin được chuyển mục đích sử dụng đất để làm khu du lịch, quận đang xem xét trình lên UBND TP để giải quyết.

Sóc Trăng: Tìm cách giải cứu biệt thự của quan cấp nước?

Từ đầu năm 2016, ông Đặng Văn Ngọ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng, xây dựng biệt thự hoành tráng trên khu đất khoảng 6.500 m2 trên đường kênh Thị Đội, khóm 7, phường 8 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Trong suốt một năm trời, mỗi ngày hàng trăm lượt người vào làm việc; hàng trăm lượt xe chở đất cát, vật liệu xây dựng, cây xanh ra vào rầm rập. Chỉ đến khi xây gần xong, người dân xung quanh mới biết ông Ngọ xây biệt thự không phép trên đất nông nghiệp.

Trả lời báo chí, ông Đặng Văn Ngọ thừa nhận ông cho xây dựng nhà khi chưa có giấy phép, đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Ông Ngọ cho rằng không phải ông xem thường pháp luật mà thực tế đã lập các thủ tục xin phép và đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong khi chưa được phê duyệt thì ông “ăn cơm trước kẻng”.

Ông Trần Hoàng Hợp, Phó Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, cho biết: “Sau khi phát hiện, TP Sóc Trăng đã yêu cầu ông Ngọ sớm hoàn thành các hồ sơ thủ tục theo quy định nhưng ông Ngọ không thực hiện. Do đó ngành chức năng đã lập biên bản, xử phạt hành chính, đình chỉ thi công công trình. Đối với khu đất xây dựng vốn là đất nông nghiệp, muốn chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải được UBND tỉnh phê duyệt”.

Còn ông Lương Thanh Xiêm, Chủ tịch UBND phường 8 (TP Sóc Trăng), trần tình: “Khi chúng tôi kiểm tra, ông Ngọ không xuất trình được các giấy tờ cần thiết với lý do đang hoàn thiện thủ tục nhưng vì coi phong thủy được ngày nên ông xây dựng trước, trình hồ sơ sau. Vì vậy anh em phường cũng chấp nhận. Mãi tới nay ông Ngọ vẫn không trình được các giấy tờ theo quy định”.

Sau khi dư luận phản ánh quyết liệt, UBND TP Sóc Trăng đã họp bàn phương hướng xử lý. Theo thông tin tại cuộc họp, ngày 19-4, ông Ngọ đã nộp phạt, ngừng thi công công trình. “Việc TP từ chối giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất và xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng đối với ông Ngọ là đúng quy định hiện hành. Qua làm việc, ông Ngọ đã nhận sai hoàn toàn” - ông Trần Hoàng Hợp nói thêm.

Điều đáng nói là theo UBND TP Sóc Trăng, hiện nay đất ở khu vực phường 8, cụ thể là đường vào kênh Thị Đội đã có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu được tỉnh phê duyệt, TP Sóc Trăng sẽ tạo điều kiện cho ông Ngọ hoàn chỉnh thủ tục giấy tờ liên quan, bổ túc hồ sơ để cho công trình tồn tại.

Trước câu hỏi liệu đây có phải hành động “giải cứu” khu đất của ông Ngọ, ông Trần Hoàng Hợp khẳng định: “Chuyện này làm rất công tâm. Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, TP điều chỉnh theo hướng đề xuất quy hoạch đất ở tại tuyến đường kênh Thị Đội chứ không riêng gì khu đất của ông Ngọ”.

Trước đó đề xuất điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của UBND TP Sóc Trăng chưa đạt yêu cầu nên Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng yêu cầu bổ sung, điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn chưa xong. Chỉ đến khi dư luận phản ánh trường hợp của ông Ngọ thì việc thẩm định diễn ra với tinh thần “thần tốc, táo bạo”. Ông Nguyễn Hoàng Dân, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sở TN&MT đã yêu cầu các bộ phận liên quan làm cả thứ Bảy và Chủ nhật, đến sáng thứ Hai 24-4 thì xong công tác thẩm định, trình UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt.

Về xử lý cán bộ, ông Nguyễn Văn Thống, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết cơ quan này đã họp và thống nhất kỷ luật ông Đặng Văn Ngọ với hình thức khiển trách về mặt đảng. Còn về mặt chính quyền thì sẽ do UBND tỉnh quyết định. Tuy nhiên, dư luận cán bộ, nhân dân Sóc Trăng đề nghị cần phải buộc ông Ngọ tháo dỡ công trình xây dựng trái phép này mới đúng theo quy định của pháp luật. Không thể có chuyện chính quyền phải chạy theo tìm cách hợp thức hóa sai phạm của ông Ngọ.

* * *

Đến nay, cả ba trường hợp kể trên và hàng loạt vi phạm xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh vẫn chưa được xử lý triệt để. Tại sao người dân xây lố một chút là cơ quan chức năng có mặt ngay, lập biên bản xử lý rất quyết liệt, còn các ông lớn thì việc xử lý dằng dai như vậy? Tới bao giờ con lạc đà mới thôi chui lọt lỗ kim?

TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế:

Thu lợi cả trăm tỉ đồng

Việc Mường Thanh tự ý chuyển đổi công năng của khu vực dành làm nơi giữ xe, nhà cộng đồng, nhà trẻ... thành căn hộ sẽ khiến môi trường sống của các cư dân tại dự án bị tổn thương. Khu cộng đồng vốn đã không đủ, giờ lại còn chuyển đổi sai công năng khiến dự án dễ trở thành khu chung cư ổ chuột.

Đã xây dựng sai phép là buộc phải đập. Bởi nếu để doanh nghiệp cứ làm sai rồi nộp phạt sẽ làm tổn thương kinh tế thị trường, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Với những căn hộ xây thêm thì chủ đầu tư chỉ tốn phí xây dựng chứ không tốn thêm chi phí thiết kế, tư vấn… nữa nên lợi nhuận còn cao hơn. Có khi chi phí xây dựng những căn hộ này chỉ tốn khoảng 7 triệu đồng/m2. Nếu như vậy, mức lợi nhuận của Mường Thanh sau khi xây xong 104 căn hộ có thể lên đến trên 120 tỉ đồng.

Ông TRẦN VŨ PHƯƠNG, kỹ sư thiết kế công trình xây dựng:

Ước tính chủ đầu tư kiếm lời ít nhất 72 tỉ đồng

Một dự án bao gồm nhiều chi phí như đất đai, xây dựng, thiết kế, bôi trơn... Giá xây dựng cũng như giá bán căn hộ ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… chắc chắn sẽ khác nhau bởi ngoài yếu tố về giá đất thì các chi phí vật liệu xây dựng, nhân công ở các khu vực cũng có độ vênh nhất định. Nếu chỉ tính riêng giá xây dựng bàn giao cơ bản, một dự án tầm trung ở TP.HCM có mức dao động 10-14 triệu đồng/m2.

Như vậy, với chi phí xây dựng cơ bản tạm tính 14 triệu đồng/m2 thì mỗi sàn rộng 2.000 m2 chủ đầu tư tốn chi phí xây dựng 28 tỉ đồng. Giá gốc căn hộ Mường Thanh - Sơn Trà hiện khoảng 23 triệu đồng/m2. Như vậy, với việc tự ý chuyển đổi công năng, xây dựng trái phép 104 căn hộ trên tổng diện tích của bốn sàn là khoảng 8.000 m2, ước tính chủ đầu tư kiếm lời ít nhất 72 tỉ đồng.

THÙY LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm