Mổ xẻ trách nhiệm từ sai phạm Mường Thanh, 8B Lê Trực

Trước tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng một cách tràn lan, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Tình trạng vi phạm quy định về trật tự xây dựng rất phổ biến, Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh kiểm tra, quản lý. Vậy Bộ trưởng đã chỉ đạo việc này thế nào, xử lý được ai chưa?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay xây dựng không phép, sai phép, đây cũng là một trong những hạn chế của ngành. Đây là thực tế có thật. Theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về vấn đề này là phải tăng cường quản lý, đặc biệt là các đô thị lớn. Hiện tốc độ xây dựng sai phép, không phép đã giảm dần song vẫn còn rất lớn. Năm 2016, có khoảng trên 15.000 trường hợp vi phạm, chiếm khoảng 12%-13% xây dựng sai phép, không phép.

“Về việc bộ đã chỉ đạo đã thanh tra một số vụ việc lớn. Đã xử lý được ai chưa? Chúng tôi đã thanh tra vụ Mường Thanh (Linh Đàm) đã nói nhiều. Còn xử lý trách nhiệm của Mường Thanh thì hiện Hà Nội đang thực hiện việc này”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Cùng liên quan đến nội dung xây dựng sai phép, ĐB Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đặt câu hỏi: “Chưa thấy Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm cá nhân và của bộ liên quan đến việc xử lý các công trình sai phép tại Hà Nội. Ví dụ như việc xây dựng các tòa nhà tại khu vực Linh Đàm của Tập đoàn Mường Thanh. Linh Đàm từng là khu đô thị kiểu mẫu của Hà Nội nhưng bây giờ nhếch nhác kinh khủng. Rồi việc xử lý tòa nhà sai phép sát với văn phòng Quốc hội (tòa nhà 8B Lê Trực), bây giờ xử lý thế nào để có câu trả lời cho cử tri”.

Tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tình trạng vi phạm quy hoạch chi tiết tại các khu đô thị đã được xây dựng ở Hà Nội trong nhiều năm qua là có thật. Liên quan đến phê duyệt chi tiết, toàn bộ quá trình phê duyệt đều được thực hiện đúng quy định, quy trình song quá trình triển khai nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm.

“Chẳng hạn, chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì), Linh Đàm (Hoàng Mai), đều do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư có vi phạm về chiều cao và mật độ xây dựng” - ông Chung nói.

Ông Chung cũng thừa nhận trách nhiệm để xảy ra những việc này đầu tiên thuộc về TP Hà Nội đã thiếu kiểm tra, giám sát, đặc biệt là lực lượng thanh tra chuyên ngành. Song nguyên nhân quan trọng là ý thức của chủ đầu tư, nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Để khắc phục thời gian qua Hà Nội đã tăng cường, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, các lực lượng thanh tra của Chính phủ, bộ ngành liên quan để tổ chức thanh kiểm tra. Đồng thời TP giao trách nhiệm cho chính quyền địa phường, cho lực lượng thanh tra xây dựng.

“Từ đầu năm 2016 đến nay, TP đã xử lý rất nhiều công trình vi phạm xây dựng và cán bộ liên quan. Cụ thể đã kiểm tra xử lý tới 18 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý gồm chủ tịch, phó chủ tịch UBND các quận huyện, chủ tịch các phó chủ tịch các phường xã; thanh tra, phó chánh tra…” – ông Chung nói.

Liên quan đến công trình 8B Lê Trực, ông Chung khẳng định: “TP Hà Nội sẽ xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện đã tháo dỡ được tầng 19, các tầng tiếp theo do vấn đề kỹ thuật hiện Hà Nội đang cùng với đơn vị của Bộ Xây dựng thẩm định phương án tháo dỡ an toàn, đảm bảo công trình sau tháo dỡ các hộ dân còn phải sinh sống. Chính vì đang thẩm định nên dẫn tới việc cắt ngọn công trình bị chậm. Hà Nội sẽ đẩy nhanh việc thẩm định phương án phá dỡ, từ đó xử lý nghiêm sai phạm của toà nhà” – Chủ tịch Hà Nội nói.

Liên quan đến việc xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay Hà Nội cũng đã cương quyết xử lý công trình 8B Lê Trực. Hiện nay đang tập trung xử lý phần giật cấp. “Do liên quan đến kết cấu, an toàn của công trình. Tuy rằng đây thuộc về trách nhiệm của Hà Nội nhưng đây là vấn đề lớn nên Bộ Xây dựng đã huy động cơ quan chuyên môn để cùng Hà Nội thẩm định phương án tháo dỡ, trong tháng 8-2017 này, Bộ sẽ có ý kiến chính thức” – ông Hà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm