Sáng nay, 25-11, hai trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) với độ mạnh lên tới 5,4 độ Richter và 3,8 độ Richter. Hậu quả gây sạt lở đá tại xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) làm hư hỏng hoàn toàn một ô tô con và 20 m3 đất nông nghiệp bị vùi lấp.
Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, trận động đất thứ ba có độ lớn 2.8 lại tiếp tục xảy ra tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách huyện Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng nước ta 1,6 km.
Đáng lưu ý, vào ngày 21-11 trước đó, một trận động đất lớn 6,1 độ Richter cũng xảy ra tại Lào và lan đến khu vực phía bắc của nước ta, trong đó có Hà Nội khiến nhiều khu vực bị rung lắc nhẹ.
Vị trí chấn tâm trận động đất thứ ba vào trưa nay, 25-11. Ảnh: VVLĐC
Trao đổi với PLO, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương (Viện Vật lý địa cầu) cho biết trận động đất đầu tiên trong sáng nay xảy ra tại huyện Trùng Khánh có độ lớn 5,4, tương đương với độ lớn trung bình trên thế giới. Tại địa phương đó hiện chưa có báo cáo thiệt hại gì về người và tài sản. Từ trận động đất này đã chấn động lan truyền đến các khu vực khác, khiến Hà Nội cũng cảm nhận được rung lắc, đặc biệt là những người nằm trên giường, những người ở trên nhà cao tầng, tuy nhiên không gây tác động mạnh và không có thiệt hại về người và tài sản.
Còn hai trận động đất tiếp theo với độ lớn 3,8 tại huyện Trùng Khánh và 2,8 tại Quảng Tây (Trung Quốc) là những dư chấn của trận động đất mạnh nhất đầu tiên.
"Đây là quy luật bình thường của thiên nhiên, bao giờ khi một trận động đất mạnh xảy ra cũng kèm theo những cơn dư chấn và tắt dần. Hai trận sau xảy ra có độ lớn giảm đi và có xu hướng xảy ra ở Trung Quốc, không ở trên đất nước ta. Trận động đất chính không gây ra thiệt hại gì thì những dư chấn sau với độ lớn giảm dần cũng không gây lo lắng gì nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó" - PGS-TS Nguyễn Hồng Phương cho biết.
Lý giải về nguyên nhân gây ra trận động đất này, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương cho biết những trận động đất này đều phát sinh do tự nhiên, xảy ra trên các đứt gãy hoạt động, những vết nứt trên vỏ rắn của Trái đất, là những kẽ hở để năng lượng trong lòng đất phát ra. Trong nhân của Trái đất có vật chất nóng chảy vài nghìn độ, có xu thế phát ra ngoài dưới nhiều dạng như núi lửa...
Tại khu vực Cao Bằng, có một số đứt gãy đã được các nhà địa chấn Việt Nam vạch lên bản đồ, xác định đó là những đứt gãy có khả năng phát sinh động đất. Trận động đất vừa rồi là đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên, đây là đứt gãy cấp 2-3 có khả năng phát sinh động đất rất mạnh.
Trước tình hình trên, vào chiều nay, 25-11, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản gửi các bộ Xây dựng, NN&PTNT, GTVT, Công Thương và các tỉnh khu vực Bắc bộ đến Thanh Hóa chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại các trận động đất có thể xảy ra tiếp theo.
Cụ thể, các đơn vị cần rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất đến công trình xây dựng, nhất là hồ chứa, nhà cao tầng, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở để có phương án đảm bảo an toàn.
Các địa phương, chủ công trình rà soát, cung cấp thông tin về mức đảm bảo an toàn của các công trình để người dân chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang.