Chủ nghĩa cá nhân 'đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm'

(PLO)- Cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng.

Ngày 19-5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Hội thảo được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa cá nhân là “kẻ thù”

Phát biểu, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương), nhấn mạnh đạo đức cách mạng không phải tự nhiên có, mà là kết quả của quá trình phấn đấu học tập, tu dưỡng và rèn luyện không ngừng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, “xây” đi đôi với “chống” là một nguyên tắc cơ bản trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VT.

Theo Người, muốn nâng cao đạo đức cách mạng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bởi, chủ nghĩa cá nhân là “kẻ thù” hung ác nhất trong mỗi con người, “đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm”, hằng ngày phá hủy cơ thể của Đảng, làm giảm sút năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, làm mất uy tín, lương tâm và danh dự của Đảng.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, cần nhìn thẳng vào sự thật vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, phân biệt rõ động cơ “tốt – xấu” của những vi phạm, để bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng. Những người này đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm. Vì danh lợi cá nhân mà họ bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.

Thời gian qua, Đảng đã có những chủ trương, quyết sách rất quan trọng cùng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cũng cho rằng, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, phân biệt rõ động cơ “tốt – xấu” của những vi phạm, để bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

Đặt lợi ích của dân lên trên hết

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay. Đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề xuất các định hướng, giải pháp xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ cơ sở khoa học của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Ảnh: VT

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên là những phẩm chất tốt được xã hội, Đảng và hệ thống chính trị thừa nhận. Điều này đã trở thành nguyên tắc, thói quen, định hướng giá trị trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, chọn làm căn cứ để đối chiếu, chi phối, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên.

"Đó là lương tâm, cái chất, cái “tính đảng”, thường trực trong máu thịt, tim óc mà cán bộ, đảng viên đã nhận thức và lựa chọn. Những chuẩn mực đó đối lập với chủ nghĩa cá nhân". PGS.TS Bùi Đình Phong cũng đồng thời nhấn mạnh ba chuẩn mực của cán bộ, đảng viên là: trung thành, kiên định, vì nước vì dân.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lý Việt Quang (Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, gắn bó với nhân dân chính là nguồn sức mạnh vô tận và vô địch của Đảng và sự nghiệp cách mạng. Hai là, phải phòng chống bệnh quan liêu, xa dân. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình, không lắng nghe ý kiến của quần chúng, sợ phê bình và tự phê bình.

“Do vậy phải kiên quyết đấu tranh chống quan liêu. Cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của dân chúng lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình. Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”, PGS.TS Lý Việt Quang nói.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm vận dụng, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp tại TP mang tên Bác.

Theo đó, các cấp ủy yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải cam kết bằng văn bản với chi bộ, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị mình về việc phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị. Đồng thời, định kỳ báo cáo với chi bộ về kết quả thực hiện, xác định đây là cơ sở kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm.

“Chi bộ, tổ chức Đảng quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đảng viên. Kịp thời phê bình, uốn nắn, xử lý nghiêm minh những trường hợp đảng viên có vi phạm.

Kiên trì giáo dục, thuyết phục, đấu tranh phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”- ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới