Chủ nợ xui nhất hành tinh!

(PLO)- Chủ nợ đi đòi nợ, hẹn hò, gặp và chứng kiến "con nợ" trong quán cà phê đang trao đổi, thương thảo với nhóm chủ nợ khác... thế là bị tội "giữ người trái pháp luật". 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-1, TAND TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm lần thứ 4 của vụ án giữ người trái pháp luật xảy ra từ 10 năm trước, xét kháng cáo kêu oan của ông Phan Văn Hùng (64 tuổi, ngụ Cần Thơ).

Theo hồ sơ, ông Phan Văn Hùng có cho bị hại là ông Lê Văn Minh (đã qua đời năm 2023) vay 80 triệu đồng từ năm 2009. Ngày 16-7-2014, ông Văn Hùng từ TP Cần Thơ lên TP.HCM gặp ông Minh để đòi nợ. Những năm trước đó, ông đã đòi ông Minh nhiều lần nhưng ông Minh không trả.

VKS cáo buộc ngày 16-7-2014, ông Lê Văn Minh bị bắt, dẫn giải đến một quán cà phê trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình). Tại đây, nhóm bốn bị cáo Phan Văn Hùng, Bùi Xuân Hùng, Nguyễn Văn Tân và Nguyễn Văn Kỳ đã giữ, dùng bạo lực đe dọa ông Minh nhằm ép ghi giấy nợ và dùng giấy tờ nhà, đất để gán nợ. Thời gian bắt, giữ ông Minh kéo dài từ 9 giờ đến 16 giờ ngày 16-7-2014.

giữ người trái pháp luật
Phiên tòa phúc thẩm vụ án giữ người trái pháp luật do có kháng cáo của ông Phan Văn Hùng (áo đỏ). Ảnh: TRẦN LINH

Ông Phan Văn Hùng ban đầu bị truy tố tội bắt, giữ người trái pháp luật, sau đó cơ quan tố tụng thay đổi tội danh, chỉ còn truy tố tội giữ người trái pháp luật, bởi "hành vi bắt giữ và sử dụng vũ lực đối với ông Minh được diễn ra trước mặt ông Phan Văn Hùng, khi đó ngồi cùng bàn, đối diện bị hại".

Trong 4 lần xét xử sơ thẩm, chỉ riêng phiên tòa sơ thẩm lần ba tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với cả bốn bị cáo.

Tại phiên phúc thẩm lần 4, đại diện VKSND TP.HCM giữ nguyên quan điểm truy tố.

Đại diện VKS cho rằng, trong vụ án này, bị cáo muốn lấy lại tiền cho mượn, nhưng không theo đúng quy định pháp luật. VKS nhận thấy trong quá trình điều tra cấp sơ thẩm đã có đủ căn cứ cáo buộc bị cáo phạm tội “giữ người trái pháp luật” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Từ đó, VKS không chấp nhận kháng cáo kêu oan, đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm lần 4.

Tranh luận, LS của bị cáo cho rằng, hành vi của ông Hùng chưa đủ yếu tố cấu thành tội "giữ người trái pháp luật" mà VKS cáo buộc.

Trong vụ án này, ông Hùng không tham gia đánh đập hay ép buộc ông Minh viết giấy nợ; cũng không có bất cứ hành vi nào uy hiếp tinh thần hay tước đoạt sự tự do thân thể, bị hại hoàn toàn có cơ hội truy hô nếu bị bắt giữ, nên không thể cho là bị bắt giữ, bị hạn chế tự do đi lại.

Chủ nợ xui nhất hành tinh!

Đó hẳn là bị cáo Phan Văn Hùng. Đã cho mượn tiền, đòi không xong, bỏ công bỏ tiền từ Cần Thơ lên TP.HCM đòi nợ vẫn không được. Đã vậy, chỉ vì chứng kiến "con nợ" bị một nhóm chủ nợ khác đòi tiền mà thành ra tù tội, oan trái lạ lùng.

Vụ án này báo Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phân tích, mổ xẻ và khẳng định ông Hùng bị oan, cơ quan tố tụng cần mạnh dạn thừa nhận, sửa sai để minh oan cho ông.

Cần nhớ rằng ông Hùng không hề quen với 3 bị cáo kia - là nhóm chủ nợ khác của ông Minh, ông Hùng không hề bàn bạc trước gì với họ, họ làm gì ông Hùng không hề biết trước. Ông Hùng không hề biết việc họ đang trao đổi, đòi nợ ông Minh là hành vi trái pháp luật; ông Hùng cũng không thể biết việc ông Minh "ngồi đồng" lâu trong quán cà phê với ba người kia là do ông Minh tự nguyện, tìm cách năn nỉ hoãn việc trả nợ hay ông ngồi đó là bởi bị ba bị cáo kia đe dọa hay thế nào đó.

Đó là chưa nói, quán cà phê là chốn đông người, lỡ ai đe dọa mình, mình chỉ cần la lên một tiếng là có thể bị giải cứu chứ không đến nỗi sự đe dọa làm triệt tiêu mọi phản ứng giản đơn nhất có thể để bảo vệ mình...

Và nếu coi việc bị cáo Hùng chứng kiến cái cảnh ông Minh ngồi lâu ở trong quán cà phê trao đổi, thương thảo chuyện nợ nần với ba bị cáo khác (mà ông Hùng không quen biết) là hành vi phạm tội thì phải chăng những người khác trong quán cà phê khi ấy - gồm chủ quán cà phê (nếu có), nhân viên quán, những người bán vé số dạo, người giữ xe, và những hành khách khác... - cũng là tội phạm hay sao!

HĐXX nhận định: Mặc dù chứng kiến nhưng bị cáo Hùng bỏ mặc hậu quả và liên tục đòi tiền. Sau khi các đối tượng khác đi ra ngoài, bị cáo Hùng tiếp tục ở lại quán cà phê để canh giữ, không cho bị hại đi ra ngoài...

Người bị hại bị giữ từ 9h sáng đến 16h, bị hạn chế tự do hoạt động, tự do dịch chuyển và ý chí bị tê liệt, tinh thần mệt mỏi. Hành vi hạn chế sự tự do của bị hại chỉ chấm dứt khi cơ quan chức năng tới làm việc.

Do đó, hành vi của bị cáo Phan Văn Hùng đã đủ dấu hiệu cấu thành tội giữ người trái pháp luật với vai trò đồng phạm.

Do đó, HĐXX phúc thẩm lần 4 tuyên không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo Phan Văn Hùng mức án một năm sáu tháng ba ngày tù về tội giữ người trái pháp luật. Bị cáo đã chấp nhận xong hình phạt tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm