Ngày 27-3, TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với ba bị cáo trong vụ án cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, TP Hà Nội khiến 13 người tử vong.
Theo đó, Nguyễn Diệu Linh (chủ quán karaoke) bị tuyên phạt chín năm tù; Lê Thị Thì (chủ cơ sở hàn) và Hoàng Văn Tuấn (thợ hàn) bị phạt bảy năm tù cùng về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Bị cáo Thì bị tuyên mức án cao hơn đề nghị trước đó của VKS (5-6 năm tù).
Cần mức án nghiêm khắc
Theo HĐXX, cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm đối với xã hội, gây đau thương, tang tóc cho gia đình các nạn nhân, gây dư luận xấu trong xã hội, do vậy cần thiết phải áp dụng những hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo.
Tuy nhiên, tại phiên tòa các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình, được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Chủ quán karaoke Nguyễn Diệu Linh đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Theo HĐXX, bị cáo Linh biết karaoke thuộc danh mục có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ nhưng vẫn tự ý thay đổi, không làm theo đúng thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo bản thiết kế đã thẩm duyệt; không kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công. Trong khi việc sửa chữa, lắp đặt quán karaoke vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được nghiệm thu, Linh vẫn chỉ đạo nhân viên quản lý quán cho hai tốp khách vào hát.
Bị cáo Tuấn chưa có chứng chỉ thợ hàn, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, không tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống cháy nổ. Bị cáo đã dùng máy hàn thổi lửa trực tiếp vào bản lề dẫn đến lửa bén vào vách phòng gây cháy.
Bị cáo Thì là người sử dụng lao động Hoàng Văn Tuấn khi không có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các quy định an toàn phòng, chống cháy nổ, biết rõ công việc hàn có thể dẫn đến cháy nổ nhưng không có biện pháp phòng, chống cháy nổ. Bị cáo Thì đồng ý để Tuấn dùng máy hàn nung, cắt bản lề dẫn đến cháy.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho người bị hại bao gồm tổn thất về tinh thần, mai táng phí, chu cấp cho con của nạn nhân đến năm 18 tuổi. Đối với thiệt hại tài sản của các gia đình liền kề quán karaoke 68, HĐXX quyết định tách thành một vụ án dân sự riêng.
Bị cáo Nguyễn Diệu Linh, chủ quán karaoke (bìa phải) tại tòa. Ảnh: ĐM
Lo ngại bỏ lọt tội phạm
Trước đó, trong phần đối đáp, có gia đình nạn nhân đặt câu hỏi về vai trò của anh Trịnh Hoàng Tiến (chồng bị cáo Linh) và Nguyễn Hữu Long (người đứng ra ký hợp đồng thuê người thi công cách âm). Theo lời khai ban đầu của anh Tiến, anh Long còn là người góp 50% vốn nhưng sau đó anh này lại thay đổi lời khai. Tòa cũng đã triệu tập hai anh này với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng cả hai không đến.
Luật sư của gia đình bị hại đề nghị tòa tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ vai trò của anh Tiến, anh Long và anh Phạm Văn Thiên (người được thuê thi công phần cách âm).
Đáp lại, đại diện VKS cho rằng quán karaoke chưa được phép sử dụng, nếu bị cáo Linh không đưa người vào hát thì cháy vẫn có thể xảy ra nhưng không có thiệt hại về người.
Thừa nhận những lý lẽ của luật sư và gia đình nạn nhân nêu “cũng có lý”, tuy nhiên VKS cho rằng: “Hành vi nào, nguyên nhân nào dẫn đến hậu quả thì người đó phải chịu trách nhiệm. Phạm Văn Thiên đã được kết luận là có vi phạm nhưng không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cháy nên đã xử lý hành chính”.
Đại diện VKS không đối đáp về vai trò của anh Long và Tiến.
Ngoài ra, một số gia đình nạn nhân bày tỏ sự không hài lòng với phần xem xét trách nhiệm của phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) và Phòng Cảnh sát PCCC số 3, thậm chí cả UBND TP Hà Nội và đề nghị xem xét thêm trách nhiệm của các cơ quan này.
Một điểm đáng chú ý khác, gia đình các nạn nhân đều xin giảm án cho bị cáo Tuấn, người thợ hàn trực tiếp gây ra sự cố. Lý do bởi Tuấn tuổi đời còn trẻ, là người dân tộc Thổ ở huyện Nam Đàn, Nghệ An, vì miếng cơm manh áo, kém hiểu biết pháp luật nên phạm tội. Cạnh đó, các gia đình kiên quyết đề nghị áp dụng mức án cao nhất với bị cáo Linh.