Chủ rừng Khánh Sơn tiếp tay phá rừng?

Việc Thượng tá Nguyễn Thành Trung (nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn) vừa bị lãnh đạo Công an tỉnh Khánh Hòa cách chức trưởng công an huyện vì có hành vi phá rừng chỉ là phần nổi. Đằng sau việc phá rừng còn có trách nhiệm của chủ rừng vì giao rừng sai đối tượng, xác nhận hiện trạng rừng chưa chuẩn…

Trong 20,25 ha thuộc khoảnh 6, tiểu khu 635 (nay là tiểu khu 270) do ông Huỳnh Long Vấn, đại diện BQL rừng phòng hộ Khánh Sơn, ký hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp cho ông Trung (nguyên Trưởng Công an huyện Khánh Sơn) vào năm 2005 có nhiều điểm bất thường. Theo xác nhận của BQL, hiện trạng rừng khi ký giao khoán là đất trống dạng IA và IB, thực bì gồm cỏ tranh, lau lách, cây bụi, một số lồ ô thoái hóa, rải rác có một số cây gỗ nhỏ. Tuy nhiên, khi rừng bị phá, đoàn kiểm tra liên ngành lại xác định có rất nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị cưa hạ, chưa kịp vận chuyển. Trong tổng số 20,25 ha nhận khoán, bên nhận khoán đã “phát dọn” 8,6 ha để trồng keo, xà cừ. Trong đó có 5,2 ha đã trồng trước và 3,4 ha vừa mới “phát dọn” trắng với nhiều cây gỗ bị đốn hạ. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra thấy còn 26 khúc gỗ hộp và khẳng định rừng không phải đất trống như BQL rừng phòng hộ Khánh Sơn từng xác nhận. Chưa hết, ngoài diện tích nhận khoán, đoàn kiểm tra còn phát hiện có hơn 4 ha rừng phòng hộ bị “phát dọn” với khoảng 60 cây gỗ tròn bị chặt hạ, đường kính trung bình 0,6 m; chín khúc gỗ hộp…

Chủ rừng Khánh Sơn tiếp tay phá rừng? ảnh 1

Đằng sau con đường tự mở và ngọn đồi này là khu rừng bị dọn trắng. Ảnh: M.TRÂN

Việc giao khoán rừng tại đây cũng có nhiều khuất tất. Theo UBND huyện Khánh Sơn, BQL rừng phòng hộ Khánh Sơn giao khoán rừng không nhắm tới đối tượng ưu tiên (hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, hộ nghèo tại chỗ có nhu cầu nhận khoán) mà chỉ giao cho một nhóm người không phải là dân tại chỗ. Hơn 80 ha rừng Sơn Bình bị cháy vào năm 2005, nhiều lần người dân tại chỗ xin tách để giao lại cho họ canh tác, được UBND tỉnh thống nhất nhưng BQL vẫn không thực hiện.

ông Cao Lê Nhân, Bí thư chi bộ thôn Tà Gụ, nói: BQL đã giao rừng sai đối tượng vì ông Trung là công an, không phải đối tượng được giao nhận khoán rừng. Trong khi đó, theo quy định, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo cư trú tại thôn là đối tượng ưu tiên nhưng không được xem xét.

Theo ông Nhân, rừng Tà Gụ là điểm “nóng” phá rừng. “Đáng sợ nhất là những vụ phá rừng qua việc giao rừng. Họ phá trắng nhiều hecta” - ông Nhân nói.

Hiện cơ quan chức năng đang thanh tra toàn diện việc quản lý, giao khoán rừng tại BQL.

Sáng 2-5, chúng tôi đã trao đổi với Giám đốc BQL Huỳnh Long Vấn về hiện trạng phá rừng, giao khoán… nhưng ông Vấn đã từ chối cung cấp các thông tin liên quan với lý do “đang trong giai đoạn nhạy cảm, phải chờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa”. Ông Vấn cũng không quên “nhắc” phóng viên: “… Sợ xuống kia (đèo Khánh Sơn - PV) nó chặn đường, đánh chết”. (Trước đây có hai phóng viên của báo KH và TT từng bị chặn đánh tại đèo Khánh Sơn khi đi tìm hiểu việc phá rừng ở đây - NV).

MINH TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm