Ngày 21-10, tại kỳ họp thứ tám Quốc hội (QH) khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025.
14/15 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch
Báo cáo trước QH, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay trong năm qua, Chính phủ, Thủ tướng đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
“Nhìn chung, tình hình KT-XH tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, chín tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết lĩnh vực” - người đứng đầu Chính phủ nói.
Ông thông tin ước tính cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%. Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra sau ba năm không đạt.
Thủ tướng cho biết năm qua, Chính phủ đã tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”,“làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “3 ca, 4 kíp”, “xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết”.
Từ đó, đã hoàn thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn sáu tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình điện trọng điểm; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km...
Chính phủ cũng đã tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tiếp tục chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng trên 10%; tỉ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch…
Dù vậy Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá thể chế, pháp luật của nước ta còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Đặc biệt, việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương. “Vẫn còn tình trạng “chưa đúng vai thuộc bài””- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Mỗi thách thức là cơ hội để trưởng thành
Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cần bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Thủ tướng cũng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Chính phủ, QH giữ vai trò kiến tạo” và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng, phát triển đất nước trên tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới” tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Đặc biệt, trong năm tới cần tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng. Trong đó, quyết tâm đưa vào khai thác dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; hoàn thành các hạng mục chính của Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế…
Thủ tướng nêu rõ Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá... Từ đó, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, đưa đất nước ta tự tin, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2025
- Tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP
- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%
- Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%...
*****
Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí
Về dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, cần đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Trong đó, xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển.
Bên cạnh đó, thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế VŨ HỒNG THANH