Đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan trong phiên thảo luận dự luật Dược (sửa đổi) sáng nay, 22-10 tại Quốc hội đã có những phát biểu khá thẳng thắn.
Bà thừa nhận Ban soạn thảo đã rất nỗ lực nhưng cho rằng nếu chỉ dừng lại như dự thảo thì khó giải quyết được tận gốc các vấn đề trong lĩnh vực dược.
Lấy ví dụ về số đăng ký, bà Lan nói rằng chỉ với 800 hoạt chất trong ngành dược mà có tới 22.000 số đăng ký thì quá nhiều. “Phải hạn chế số đăng ký để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh hơn, tốt hơn, bớt tiêu cực hơn, chứ không phải chúng ta chỉ đưa ra các cam kết về cải cách hành chính” - ĐB Lan nói.
Theo bà Lan, việc có quá nhiều mặt hàng thuốc sẽ không phân biệt được, đấu thầu, mua, lựa chọn thuốc của các bác sĩ cũng rất phức tạp. Quản lý giá thuốc không thể làm trên một “quần thể” quá đông như vậy.
“Tôi rất bức xúc khi tới giờ, việc cấp số đăng ký vẫn chỉ trên hồ sơ. Việc này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, chúng ta phải học tập các quốc gia khác trong việc hạn chế bằng hàng rào kỹ thuật để có thể đếm, kiểm tra ngay tại chỗ những quy trình sản xuất” - ĐB Lan nêu.
Bà cũng đặt vấn đề về ưu đãi cho các công ty dược trong chiến lược phát triển công nghiệp dược trong nước. Vì những ưu đãi này “chưa kể nó dính đến tiền bạc” thì sau này có thể trở thành nguồn vô tận của sai sót. Rồi sau này lại điều tra, kiểm toán…
Theo bà Lan, những tên tuổi lớn của ngành dược hiện đã bị vốn nước ngoài chiếm tỉ trọng áp đảo.
“Rốt cuộc chúng ta muốn cái gì? Chúng ta muốn doanh nghiệp trong nước phát triển nhưng quan trọng nhất là đầu ra. Trong bệnh viện, đấu thầu lại theo hướng thuốc giá rẻ nên những doanh nghiệp đặt tiêu chí chất lượng thì chắc chắn giá chỉ có thể ở mức hợp lý, không thể trong nhóm rẻ nhất được. Như vậy họ dần đánh mất thị trường, không có nguồn thu nhiều, phải chuyển hướng để tăng vốn thì bên ngoài họ sẽ chi phối. Tôi đề nghị xem lại” - bà Lan nói.
Bà Lan nói các nhà thuốc bán lẻ thường tập trung ở các TP lớn, còn ở vùng sâu, vùng xa thì “vẫn thiếu như trước đây”.
“Đây cũng là sự thất bại của Luật Dược năm 2016. Các điều khoản chúng ta sửa đi sửa lại một hồi nhưng số các nhà thuốc tăng vọt mà không có phương thức, giải pháp nào để tăng cường quản lý, như biên chế thanh tra, vấn đề về vốn, về khoảng cách bắt buộc phải có giữa các nhà thuốc” - ĐB Lan phân tích.
ĐB Lan đề nghị phải quy định được các tầng nấc trung gian và tỉ lệ lợi nhuận chứ không trông chờ vào sự tự nguyện kê khai như hiện nay. Nếu không làm được định hướng quản lý hệ thống phân phối thì tất yếu sẽ dẫn đến chuyện “mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn thoải mái hoặc trà trộn thuốc giả, thuốc kém chất lượng…”
Về đấu thầu thuốc, ĐB Lan nói Luật Đấu thầu có nhiều mục tiêu nhưng lại gây nhiều hệ lụy như thuốc rẻ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và bào mòn ngành công nghiệp dược. Vaccine thiếu cũng do đấu thầu.
Sau khi đề cập đến quản lý mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, ĐB Lan nói: “Xin lỗi ban soạn thảo, tôi biết các đồng chí rất cố gắng nhưng mỗi lần sửa là một lần khó. Đây là trách nhiệm của chúng ta trước người dân, trước sự phát triển của ngành. Chúng tôi nhận thấy các bất cập chưa được giải quyết, nếu như thế này thì sau này chúng ta sẽ phải trả giá”.