Dự thảo Luật Dược (sửa đổi): Đại biểu lo nguy cơ độc quyền thuốc

(PLO)- Góp ý cho Luật Dược (sửa đổi), đại biểu lo lắng khi dự thảo quy định mức giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải theo có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Sáng 22-10, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sáng 22-10.

Đại biểu lo nguy cơ độc quyền thuốc

Góp ý về vấn đề quản lý giá thuốc, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết điều 2 dự thảo nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến, điều này được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc.

Dự thảo Luật Dược (sửa đổi).jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: QH

Tuy nhiên, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan… Trong khi đó, dự thảo hiện nay lại quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định, và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo.

“Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường” - đại biểu Hà nói, đồng thời đưa ví dụ, như trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình, đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao.

Về kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đánh giá đây là phương thức kinh doanh rất phù hợp với xu thế hiện nay, nhưng cần quy định rõ ràng để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ. Dự thảo quy định thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử là thuốc không kê đơn, thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và nguyên liệu làm thuốc..

“Nếu quy định như dự thảo có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp đưa thuốc kê đơn vào kênh bán lẻ thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp sẽ lấy thông tin bệnh nhân cần mua thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử và sẽ thực hiện giao dịch mua bán ở chỗ khác.

Tôi cho rằng, dự thảo cần sửa đổi theo hướng chỉ bán thuốc không kê đơn theo phương thức thương mại điện tử như kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới” - đại biểu Hà góp ý.

Chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược khó khả thi

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) nêu góp ý về chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp dược.

Theo ông Thành, dự thảo có bước đột phá khi đưa ra hai phương án về chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược.

221020240913-z5954847933346_d90b404f8a908a4992ae68e43d05907a.jpg
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên). Ảnh: QH

Với phương án 1, ưu điểm là xác định được quy mô dự án đầu tư để hưởng ưu đãi. Tuy nhiên ông Thành cho rằng với quy định vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỉ đồng, điều kiện thực hiện trong 3 năm đầu 1.000 tỉ đồng thì đây là điều kiện cực kỳ khó khăn.

Ông Thành phân tích, khi xem lại lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong phát triển công nghiệp dược là phát triển công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, thuốc mới, thuốc hiếm… hoàn toàn là lĩnh vực hẹp, khó đòi hỏi quy mô đầu tư cao, trong khi thời gian giải ngân trong 3 năm đầu là 1.000 tỉ đồng nên hoàn toàn không khả thi.

“Nhất là nuôi trồng dược liệu ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mà yêu cầu 3.000 tỉ đồng thì hoàn toàn không làm được. Vừa qua chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến chương trình dược liệu mà Bộ Y tế trực tiếp chỉ đạo triển khai đã không thực hiện được một dự án nào” - ông Thành cho biết.

Với phương án 2 không quy định quy mô cụ thể mà dẫn chiếu áp dụng theo Luật Đầu tư (gấp 10 lần quy mô vốn so với phương án 1) thì yêu cầu càng khó khăn hơn.

“Tôi nghiêng về phương án 1 nhưng điều chỉnh lại vốn đầu tư và thời gian giải ngân. Theo đó, xác định quy mô dự án chỉ nên ở 1.000 tỉ đồng, còn 3.000 tỉ đồng ngang với đi lên giời và quy định 3-4 năm đầu mới giải ngân 300 tỉ thì mới khả thi” - ông Thành góp ý.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng nên điều chỉnh lại vốn đầu tư với quy mô từ 1.000 tỉ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 500 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư.

Cần quyết liệt thực hiện kê đơn qua mạng

Về vấn đề chuyển đổi số, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng nên có quy định rõ hơn về chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động dược ở Việt Nam. Đơn cử như việc kê đơn qua mạng cần làm và làm dần dần, làm quyết liệt, làm cho được để quản lý tốt hơn chất lượng kê đơn, hình thức kê đơn.

“Chúng ta vẫn hay gặp nhiều bác sĩ kê đơn có chữ rất xấu, hơi kỳ lạ. Nếu thực hiện kê đơn qua mạng thì việc này được giải quyết khá tốt” - đại biểu Trí đánh giá. Đồng thời nhận xét việc kê đơn qua mạng sẽ nắm được đường đi của đơn thuốc, hiệu lực kê đơn, hiệu quả của đơn thuốc, kinh phí, tài chính của đơn đó… Còn mỗi ngày có hàng triệu đơn thuốc được kê, nếu kê bằng tay thì không cách nào quản lý được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm