Sửa Luật Dược: Cấm bán lẻ online đối với thuốc kê đơn

(PLO)- Dự thảo Luật cấm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay dự thảo Luật lần này đã lược bỏ một số nội dung, làm rõ và cụ thể hơn các quy định so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thúy Anh, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể chính sách ưu đãi đủ mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ để khắc phục tồn tại, khó khăn trong phát triển ngành dược trong nước và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các thuốc nhập khẩu chất lượng cao.

Thuốc kê đơn: Cấm bán lẻ online

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết các chính sách của Nhà nước về dược và lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp dược được dự kiến chỉnh lý theo hướng này.

Theo đó, dự thảo luật đã quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho doanh nghiệp dược; chính sách ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập; phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; cải cách, ưu tiên về thủ tục hành chính trong cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu…

thương mại điện tử
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Liên quan đến kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể điều kiện, các loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc, giá bán, biện pháp bảo đảm bảo mật thông tin người mua…

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung những hành vi nghiêm cấm đối với hoạt động này.

Bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định dự thảo luật đã quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Cụ thể, tại khoản 1a Điều 42 quy định: “Thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc Danh mục thuốc không kê đơn trừ thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt”; “Thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.

Dự thảo luật cũng bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm, như: “cấm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ”; “cấm bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.

Dự thảo luật cũng cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Về cách thức tiến hành, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, dự thảo Luật ủy quyền giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc đến người mua.

Về cơ chế quản lý quảng cáo thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội thông tin một số ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình việc bỏ xác nhận quảng cáo thuốc và yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, quy định chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, tăng cường trách nhiệm đối tượng tham gia quảng cáo.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giữ lại quy định xác nhận nội dung quảng cáo thuốc như Luật hiện hành. Ngoài ra, dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung quảng cáo thuốc, hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và xác định nội dung quảng cáo thuốc; yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc.

Tăng cường quản lý giá thuốc

Về quản lý giá thuốc, một số đại biểu đề nghị làm rõ quy định kê khai giá bán buôn dự kiến vì quy định này không có ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nước, làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho các cơ sở.

Có ý kiến đề nghị làm rõ việc tạo ra quyền thẩm duyệt, quyền thẩm định về giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các cơ quan quản lý Nhà nước; đề nghị quy định chặt chẽ các biện pháp quản lý giá và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

“Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất với Bộ Y tế rằng do thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và an ninh y tế, quản lý giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc đến tay người dân có chất lượng với giá hợp lý”- bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Bởi vậy, Luật Dược hiện hành quy định biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến nhằm hạn chế việc tăng giá bán buôn thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến cơ sở tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thúy Anh, biện pháp kê khai giá bán buôn này lại có nội hàm khác với biện pháp kê khai theo quy định của Luật Giá.

Do vậy, để tránh sự hiểu nhầm, biện pháp “kê khai giá bán buôn dự kiến” được đổi tên thành biện pháp để các cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến” và gửi đến Bộ Y tế để công khai trên Cổng thông tin của Bộ Y tế.

Đồng thời, do là thuật ngữ mới nên dự thảo luật đã bổ sung giải thích từ ngữ “giá bán buôn thuốc tối đa”, “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến”, “mặt hàng thuốc tương tự”, xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục.

Dự thảo cũng quy định biện pháp khi phát hiện công bố giá cao bất hợp lý tại khoản 4 Điều 107 sửa đổi.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể hơn các biện pháp quản lý giá thuốc, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung quy định quản lý đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm điều trị vào phạm vi điều chỉnh của luật này.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm điều trị không phải là thuốc nên không điều chỉnh các sản phẩm này trong dự thảo Luật.

Với những bất cập đại biểu nêu trong quản lý thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm điều trị, đề nghị Chính phủ tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định”- bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm