Chiều 26-6, Quốc hội thảo luận về dự luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Dược. Các ý kiến của ĐB tập trung vào các vấn đề đăng ký thuốc, đấu thầu thuốc, sản xuất thuốc trong nước, phát triển dược liệu, thuốc đông y cùng nhiều vấn đề quan trọng khác như quản lý hệ thống công ty phân phối, bán buôn và nhà thuốc bán lẻ.
Nhiều doanh nghiệp dược trong nước bị thôn tính
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) nói phát triển công nghiệp dược cần xem xét đến gốc rễ vấn đề là cấp “số đăng ký” không định hướng, dẫn đến quá tải, chậm cập nhật thuốc mới. Nhiều số đăng ký cho một hoạt chất nên dễ phát sinh xin-cho tiêu cực, khó lựa chọn thuốc đấu thầu nên chỉ chọn giá rẻ.
Bà Phong Lan nêu số liệu: Việt Nam có 22.000 số đăng ký/800 hoạt chất trong khi Singapore có 10.000 số đăng ký/1.200 hoạt chất.
“Cần định hướng thuốc nào cần ưu tiên, thuốc nào cần hạn chế cấp SĐK, sử dụng hàng rào kỹ thuật, thẩm định điều kiện sản xuất thực tế bằng các tổ chức chuyên nghiệp như các nước đang làm”, bà Phong Lan nói.
Bà Phong Lan cũng nêu rằng mặc dù ưu tiên sản xuất dược trong nước nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp dược tên tuổi trong nước đã bị vốn ngoại thôn tính do nhiều chính sách và có thể dẫn đến hệ lụy về mất an ninh dược phẩm.
“Luật Dược cần thể hiện vai trò luật chuyên ngành, phải có các quy định về điều kiện cần thiết chi phối sâu hơn vai trò và quyền hạn nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh đa ngành-bước vào đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm”, bà Lan đề nghị.
Bán thuốc online phải hết sức thận trọng
Sau khi đề cập việc phát triển dược liệu, thuốc đông y, bà Phong Lan cho rằng: Việc bùng nổ các công ty phân phối bán buôn và nhà thuốc bán lẻ đã dẫn đến chi phí trung gian tăng, kiểm soát giá thuốc cũng khó trong khi cơ chế hậu kiểm, bộ máy thanh tra vẫn như cũ.
“Đề nghị phải quy định tái lập điều kiện khoảng cách giữa các nhà thuốc, điều kiện cư trú của DS có chứng chỉ hành nghề, công khai giấy phép tại nhà thuốc, tăng cường vai trò của Hội hành nghề. Phải giải quyết tình trạng mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến tăng giá thuốc”, bà Phong Lan nói.
Với quy định về áp dụng thương mại điện tử-bán thuốc online, bà Phong Lan nói: “Quản nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà tính bán online là rất nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng rất khó phát hiện và xử lý trên không gian mạng. Các nội dung của dự thảo luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi”.
Bà Phong Lan đề nghị không đưa thuốc kê đơn vào danh mục phân phối qua kênh thương mại điện tử. Với thuốc không kê đơn thì cũng phải cân nhắc và hoàn thiện hành lang pháp lý trước.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đề nghị cần phải lập một website hay xây dựng một “app” để có thể thống nhất quản lý.
“Nếu mở hết cho kinh doanh thuốc online thì sẽ rất nguy hiểm trong quá trình vận chuyển, tráo đổi thuốc, điều kiện bảo quản… làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị”, ĐB Thức nói.
Ông cũng nói thêm về quảng cáo thuốc. Theo ĐB Thức, hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống vẫn có quảng cáo nói quá tác dụng thật.
“Đề nghị những nội dung này phải được Bộ hoặc Sở Y tế cho phép, hoặc xem, duyệt trước khi được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, ĐB thức đề xuất.
Một số ĐB khác khi phát biểu về việc bán thuốc online dù bày tỏ sự đồng tình nhưng cũng đề nghị phải có cách thức, phương thức quản lý và giải pháp kỹ thuật phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan hiện đang giải trình, tiếp thu ý kiến các ĐB về dự luật Dược (sửa đổi)