Góp ý cho dự Luật Công chứng (sửa đổi) tại phiên thảo luận hội trường ngày 25-6, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) đã đặt ra một số vấn đề cần lưu ý.
Bổ sung quy định bắt buộc công chứng với thỏa thuận về điều lệ doanh nghiệp
Thứ nhất, về hợp đồng, giao dịch phải công chứng, ông cho biết các loại hợp đồng, giao dịch phải công chứng được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… và một số văn bản dưới luật. “Việc quy định loại hợp đồng, giao dịch phải công chứng được quy định khá tản mát, khó theo dõi” – ông nhìn nhận.
Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Do đó, để bảo đảm công khai, minh bạch và thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện, ông đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát cụ thể các loại hợp đồng, giao dịch cần công chứng để quy định cụ thể tại Luật này. Đặc biệt, ông Hiển đề nghị bổ sung quy định bắt buộc công chứng đối với thỏa thuận về điều lệ doanh nghiệp.
Vấn đề thứ hai là về chiến lược, định hướng phát triển các tổ chức hành nghề công chứng. Theo ông, công chứng là dịch vụ công, do Nhà nước ủy nhiệm, liên quan đến an toàn pháp lý của các hợp đồng, giao dịch và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, vì vậy việc quản lý các tổ chức hành nghề công chứng luôn đòi hỏi sự chặt chẽ.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng việc cho phép thành lập, chuyển trụ sở các Văn phòng công chứng thiếu nhất quán giữa các địa phương, có nơi phát triển quá nóng, tập trung tại địa bàn đô thị dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nơi thì đóng băng.
Cạnh đó, việc yêu cầu Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên cũng dẫn đến tình trạng ở các địa bàn kinh tế chưa phát triển không có tổ chức hành nghề công chứng để đáp ứng yêu cầu của người dân.
“Tôi đề nghị cân nhắc bổ sung tại dự thảo Luật quy định cho phép việc thành lập Văn phòng công chứng một công chứng viên ở những địa bàn khó khăn, chưa có tổ chức hành nghề công chứng” – ông nói và đề xuất cụ thể hóa, tích hợp nội dung này trong chiến lược phát triển công chứng.
Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bắt buộc?
Thứ ba, nhấn mạnh việc công chứng viên ngoài chức năng cung cấp dịch vụ thì còn thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước ủy nhiệm, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cần tiếp tục được coi là loại hình bảo hiểm bắt buộc và phải quy định trong Luật. Điều này cũng nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Mặt khác, vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm, làm rõ vai trò, sự cần thiết của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên để có quy định phù hợp.
Thứ tư, đối với việc miễn nhiệm công chứng viên quá 70 tuổi, đại biểu Đỗ Đức Hiển thông tin quy định này theo Chính phủ là nhằm mục đích nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng.
Tuy nhiên, ông nói thực tế cho thấy số công chứng viên đang hành nghề trên 70 tuổi không nhiều, trong đó có những công chứng viên nhiều kinh nghiệm vẫn đủ sức khỏe hành nghề. Họ đã xây dựng được các thương hiệu công chứng lớn, có uy tín tại các địa bàn như Hà Nội và TP.HCM.
Theo ông Đỗ Đức Hiển, những công chứng viên không đủ sức khỏe hành nghề hoặc không hành nghề công chứng liên tục từ 12 tháng trở lên đã thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định của Luật. Cạnh đó, công chứng là một nghề tư pháp nên việc quy định các biện pháp nhằm quản lý chất lượng nghề nghiệp sẽ là phù hợp hơn… thay vì miễn nhiệm họ chỉ căn cứ vào độ tuổi.
Do đó, ông đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thêm. Trường hợp cần thiết phải quy định miễn nhiệm đối với công chứng viên đã quá 70 tuổi thì nên kéo dài thời gian chuyển tiếp để công chứng viên này xử lý các công việc cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi của mình đối với thương hiệu cũng như tài sản, vốn góp đã đầu tư khi thành lập văn phòng công chứng… “Đây là những việc cần rất nhiều thời gian” – ông nhấn mạnh.
Bổ sung thẩm quyền chứng thực chữ ký cho công chứng viên
Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho hay ông tán thành với quy định tại dự thảo Luật về việc công chứng viên chỉ thực hiện chữ ký người dịch mà không công chứng nội dung bản dịch như Luật hiện hành.
Nêu lý do, ông nói tiêu chuẩn công chứng viên không yêu cầu về trình độ ngoại ngữ nên tính khả thi của việc quy định công chứng viên công chứng và chịu trách nhiệm nội dung đối với bản dịch là không cao.
Qua rà soát cũng không có quy định nào yêu cầu hợp đồng, giao dịch lập bằng tiếng nước ngoài phải có công chứng về nội dung; pháp luật nước ngoài yêu cầu giấy tờ để thực hiện các thủ tục là bản dịch có “công chứng” và qua thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự. Tuy nhiên, thực chất đây là công chứng hình thức và ở Việt Nam đây là hoạt động chứng thực chữ ký.
Mặt khác, pháp luật công chứng ở nước ta cũng như pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến chứng cứ đều quy định ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt, trường hợp người không biết tiếng Việt phải có người phiên dịch.
“Tôi đề nghị quy định theo hướng ngoài công chứng, công chứng viên còn thực hiện một số công việc khác liên quan theo quy định. Chính phủ cũng cần sửa đổi nghị định về chứng thực để bổ sung thẩm quyền chứng thực chữ ký cho công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng thực hiện” – ông nói.
Phát hiện có giám đốc là xe ôm, bán bún bò...
Phát biểu trước đó, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về công chứng điều lệ doanh nghiệp thỏa thuận góp vốn trong việc thành lập doanh nghiệp.
Theo bà Nga, quy định này là cần thiết nhằm đảm bảo pháp lý cho các giao dịch quan trọng trong dân sự, kinh tế. Đồng thời, tránh tình trạng giả mạo chữ ký trong hồ sơ, tài liệu thành lập doanh nghiệp. Từ đó, hạn chế khai khống vốn điều lệ, hợp thức hóa các hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn thông qua thành lập khống doanh nghiệp.
Việc bổ sung quy định trên cũng nhằm tránh được tình trạng thành lập hàng loạt các công ty ma làm ăn phi pháp. “Khi các cơ quan chức năng phát hiện, nhiều công ty ma, tổ chức buôn lậu, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng có giám đốc là xe ôm, bán bún bò… tồn đọng ở các cảng, trong đó không ít lô hàng của công ty ma gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi điều tra, xử lý” – bà Hằng Nga nói.