Chủ tịch HĐND TP.HCM: Cần cân nhắc tính khả thi của việc ban hành bảng giá đất hàng năm

(PLO)- Theo ĐBQH - Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, dự luật Đất đai cần quy định cho các địa phương có đặc thù khác nhau được lựa chọn ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần, hoặc khi có biến động giá đất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (21-6), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Có tới 170 ĐBQH đăng ký thảo luận về dự luật quan trọng này.

Giá đất biến động 20% thì điều chỉnh

ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM đã có những góp ý xác đáng gửi tới Ban soạn thảo (bà Lệ đã đăng ký phát biểu trước Quốc hội về vấn đề này).

Sau khi đề nghị bổ sung “hộ gia đình, người nước ngoài” vào “người sử dụng đất", ĐB Nguyễn Thị Lệ góp ý về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất.

Khoản 5, điều 158 dự luật quy định “…cơ quan tổ chức xác định giá đất được quyết định xác định giá đất bằng một hoặc nhiều phương pháp định giá… Cơ quan quyết định giá đất theo kết quả xác định giá đất có lợi nhất cho ngân sách nhà nước”.

ĐB Lệ cho rằng quy định này không rõ ràng, có thể gây mất thời gian của các cơ quan, tổ chức thẩm định, kinh phí tư vấn cũng tăng. Bà đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này để “tránh gây thêm ách tắc cho công tác thẩm định giá”.

Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị bổ sung nguyên tắc “việc định giá phải tuân theo Luật giá” để đảm bảo công tác định giá đất tuân thủ chính xác quy định của pháp luật, bình ổn giá đất sát với giá thị trường và tăng tính đồng bộ, thống nhất giữa các hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị cân nhắc việc ban hành giá đất hàng năm xem có khả thi không. Bà cho rằng, dự luật cần quy định cho các địa phương có đặc thù khác nhau được lựa chọn ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần, hoặc áp dụng quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên thì được định giá lại.

ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM trong buổi thảo luận tại tổ ngày 20-6. Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM trong buổi thảo luận tại tổ ngày 20-6. Ảnh: QH

“Quy định này không phải áp dụng đối với toàn bộ tỉnh thành mà chỉ là những địa phương có tình hình đặc biệt hoặc khi xảy ra biến động quá cao dẫn đến bảng giá đất không theo kịp giá đất thị trường, như vậy sẽ đảm bảo được mục tiêu bình ổn giá đất trong thời gian tới”, ĐB Nguyễn Thị Lệ góp ý.

Thu hồi đất, thế chấp QSDĐ… cần rà soát

Chủ tịch HĐND TP HCM cũng tán thành quy định về các trường hợp thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy vậy, bà đề nghị cần rà soát kỹ các ngành, lĩnh vực, để tránh bỏ sót.

ĐB Nguyễn Thị Lệ nhận định, pháp luật đất đai hiện hành vẫn chưa ghi nhận chính thức về việc doanh nghiệp Việt Nam được phép thế chấp QSDĐ cho tổ chức kinh tế nước ngoài để vay vốn hoạt động. Dự luật Đất đai (sửa đổi) thì quy định doanh nghiệp Việt Nam có thể thế chấp QSDĐ cho “tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam” hoặc “tổ chức kinh tế khác”.

Theo ĐB Lệ, quy định cho thế chấp quyền sử dụng đất tại “các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam” có thể dẫn đến cách hiểu rằng không được thế chấp tại các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, hay tại các tổ chức tài chính nước ngoài khác. Bởi, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 phân biệt rõ hai đối tượng khác nhau là “tổ chức tín dụng” và “chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Mặt khác, nội dung của dự luật và pháp luật đầu tư vẫn chưa có định nghĩa chính thức thế nào là “tổ chức kinh tế khác”. Vì vậy vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng chính sách pháp luật có cho phép thế chấp QSDĐ cho tổ chức tài chính có vốn đầu tư nước ngoài hay là tổ chức tài chính nước ngoài hay không.

“Vấn đề này cần phải được bổ sung quy định vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, ĐB Nguyễn Thị Lệ góp ý.

Toàn văn góp ý của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ:

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI -21.6_Nguyen-thi-le.docx

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm