Sửa Luật Đất đai và kỳ vọng của Nhân dân vào Quốc hội

(PLO)- Sự kỳ vọng có được một đạo luật chất lượng, khai phóng những điểm nghẽn liên quan đến cơ chế dịch chuyển đất đai thôi thúc người dân đóng góp ý kiến và đã có đến hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý cho đạo luật này
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-6, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đạo luật liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội cũng như quyền lợi chính đáng của nhân dân nên cử tri rất kỳ vọng về đạo luật quan trọng này.

Tính từ Luật Đất đai năm 1993, cứ mỗi 10 năm, Quốc hội (QH) lại có những sửa đổi cơ bản nhằm ban hành văn bản mới thay thế văn bản cũ. Điều này đã cho thấy những thay đổi tích cực trong tư duy lập pháp và dự kiến Luật Đất đai năm 2023 sẽ được ban hành, thay thế cho Luật Đất đai năm 2013.

10 năm không phải là dài đối với sức sống của một đạo luật nhưng chừng đấy thời gian cũng đã đủ để kiểm chứng về tính hợp lý, tính khả thi của một đạo luật, nhất là trong bối cảnh các quan hệ xã hội liên quan đến đất đai chuyển động không ngừng. Để có được một đạo luật tốt, rất cần một dự thảo có chất lượng với góc nhìn đa diện của nhiều chủ thể. Trong tương quan này, không thể bỏ qua các góp ý tâm huyết, chất lượng của nhân dân.

Có thể thấy sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là văn bản được đầu tư công phu, bài bản và nhận được nhiều góp ý nhất từ phía nhân dân với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Các nội dung góp ý đã được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu; cơ quan thẩm tra cũng đã có báo cáo để trình QH. Do đó, trọng trách đặt lên vai của QH là rất lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân tập trung đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai với số lượng lớn như vậy. Sự kỳ vọng có được một đạo luật chất lượng, khai phóng những điểm nghẽn liên quan đến cơ chế dịch chuyển đất đai thôi thúc họ phải đóng góp ý kiến. Kỳ vọng việc bỏ khung giá sẽ tạo nên sự thay đổi thật sự trong việc xác định giá đất đã khiến họ phải lên tiếng.

Tiếp đến, sự trông chờ quy trình xác định giá đất phải công khai, minh bạch, thống nhất và gắn liền với trách nhiệm giải trình nhằm phản ánh đúng bản chất của giá đất làm cho họ không thể không góp ý.

Tất cả nội dung nóng nhất trong quan hệ pháp luật đất đai cho dù khó khăn và phức tạp thế nào cũng đều đã được nhân dân “bắt bệnh, kê toa”. Vấn đề còn lại là họ chờ đợi quyền quyết định cuối cùng - quyền “chữa trị” của QH. Do đó, tiếp thu hay không tiếp thu, thay đổi hay giữ nguyên phương án điều chỉnh đều cần phải được xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng và phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Trong lần thảo luận này, QH tập trung những nội dung phức tạp, liên quan đến quy trình mà chưa được quy định cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai. Những nội dung như các trường hợp thu hồi đất (Điều 81, 82); bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 90)... đều rất quan trọng nhưng lại được áp dụng chung công thức “Chính phủ quy định chi tiết điều này”.

Do “Chính phủ quy định chi tiết điều này” nên nhân dân không thể góp ý trực tiếp, bởi nội dung của luật chỉ mang tính nguyên tắc và không có phương án hành vi. Phương án hành vi lại được ban hành trong nghị định của Chính phủ. Do đó, QH cũng cần phải nghiên cứu kỹ dự thảo nghị định quy định về các vấn đề này. Điều này không chỉ bảo đảm quyền làm luật tối cao của QH mà cũng đáp ứng yêu cầu ban hành nghị định quy định chi tiết luật được nêu trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm