Chiều 23-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thủ đô Jakarta lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia.
Hợp tác bền vững, bảo vệ môi trường
Trước đó, sáng cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm Indonesia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Budiarsa Sastrawinata, Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam.
Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp của Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác hữu nghị hai nước, trong đó có đóng góp tích cực của Chủ tịch Hội, đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn Ciputra.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam Budiarsa Sastrawinata. Ảnh: TTXVN |
Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19, hội Hữu nghị hai nước đã nỗ lực phối hợp triển khai nhiều hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, tăng cường giao lưu nhân dân.
Nhiều thành viên của Hội Hữu nghị là các doanh nghiệp lớn của Indonesia có quan tâm đầu tư và hợp tác kinh doanh với Việt Nam. Hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước cũng đóng góp thiết thực vào việc tăng cường tình hữu nghị song phương.
Chủ tịch nước cho biết đã có cuộc hội đàm rất thành công với Tổng thống Joko Widodo với nhiều thỏa thuận hợp tác mới. Trong đó, tiếp tục khẳng định tăng cường hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân, địa phương và doanh nghiệp luôn là nền tảng quan trọng của mối quan hệ Đối tác Chiến lược. Chủ tịch nước nhấn mạnh thành tựu trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước có vai trò đóng góp quan trọng của Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam.
Việt Nam hoan nghênh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Indonesia đầu tư tại Việt Nam, góp phần tăng kim ngạch thương mại song phương; mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào nhiều lĩnh vực ở Việt Nam.
Chủ tịch nước lưu ý trong triển khai các dự án hợp tác, cần chú ý bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, hợp tác chặt chẽ, đúng pháp luật, trên cơ sở hai bên đều có lợi.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam Budiarsa Sastrawinata mong muốn các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục hỗ trợ hoạt động của Hội; hỗ trợ doanh nghiệp Indonesia duy trì và phát triển mạnh mẽ sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Hội cũng đề nghị cơ quan chức năng hai nước ủng hộ các sáng kiến phát triển bền vững, các dự án liên thông giữa các cơ sở đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hai nước; hỗ trợ triển lãm nghệ thuật Indonesia tại Việt Nam, thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Ông Budiarsa Sastrawinata cũng cho biết các doanh nghiệp Indonesia mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực giàu tiềm năng tại Việt Nam như dược phẩm, chế biến lương thực, thực phẩm, khai khoáng, kinh tế số, chế tác sản phẩm đồ gỗ thủ công…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid. Ảnh: TTXVN |
Mong sản phẩm hai nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Cũng trong sáng 23-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đã tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) Arsjad Rasjid.
Chủ tịch nước hoan nghênh Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) cùng các doanh nghiệp Indonesia có nhiều hoạt động hợp tác với Việt Nam về đầu tư, thương mại và cho rằng điều đó góp phần quan trọng vào kết quả hợp tác hai nước, nhất là vào năm 2023, hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam và Indonesia đều có dân số đông, thị trường lớn và cùng đặt ưu tiên hợp tác nội khối ASEAN, như vậy con số kim ngạch thương mại hai chiều mới 13 tỉ USD là còn thấp. Điểm mấu chốt là các doanh nghiệp hai nước cần hiểu rõ nhu cầu thị trường của nhau.
Đánh giá cao Indonesia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư thành công nhất trên thế giới và mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia thúc đẩy các doanh nghiệp Indonesia tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào Việt Nam để tương xứng mối quan hệ Đối tác chiến lược.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực là thế mạnh của hai nước như nông nghiệp, thủy sản.
Chủ tịch nước cũng đề nghị KADIN và cá nhân ngài Chủ tịch tiếp tục đề xuất chính sách thúc đẩy đầu tư và thương mại, hướng tới mục tiêu 15 tỉ USD vào trước năm 2028 theo hướng cân bằng, như thống nhất của lãnh đạo hai nước. Đặc biệt, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại nội khối ASEAN trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các quốc gia, tuân thủ các quy định, thông lệ quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các hiệp định thương mại tự do ASEAN+.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp và vui mừng vì quan hệ thương mại song phương giữa hai nước được đưa lên tầm cao mới.
Ông Arsjad Rasjid bày tỏ tán thành với Chủ tịch nước về tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư hai nước còn rất lớn và cam kết Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia sẽ thúc đẩy nâng cao kim ngạch thương mại và thúc đẩy đầu tư, trong đó, doanh nghiệp hai nước kết nối tạo thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp hai nước còn có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nghề cá, ôtô và ôtô điện. Đây cũng là những lĩnh vực mà KADIN sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư Indonesia đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch KADIN cũng mong muốn có thêm các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Indonesia để các sản phẩm của Việt Nam và Indonesia tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Ảnh: TTXVN |
. Ngoài ra, trong chuyến thăm lần này đến Indonesia, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta. Tại đây, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng được gặp Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và các Đại sứ, Đại biện các nước thành viên tại ngôi nhà chung của gia đình ASEAN trong ngày làm việc cuối năm 2022, trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Indonesia lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Albert, đồng Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Traveloka.
Đây là doanh nghiệp sở hữu nền tảng ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, với thị trường hoạt động chủ yếu tại Việt Nam, Thái Lan và Phillipines.
Chủ tịch nước hoan nghênh hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của Tập đoàn Traveloka tại Việt Nam trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp nhiều ứng dụng tiện ích, phục vụ nhu cầu về du lịch, phong cách sống của người dân Việt Nam.
Với hiệu quả kinh doanh ứng dụng nền tảng công nghệ số, Chủ tịch nước mong muốn Tập đoàn mở rộng hợp tác ở Việt Nam.
Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch nước cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số giữa Tập đoàn và các doanh nghiệp Việt Nam, mở rộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mong muốn Tập đoàn quan tâm, tăng cường hơn nữa phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam.
Đề cập Việt Nam có nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, ẩm thực phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh, tuy nhiên lượng khách du lịch giảm sau đại dịch, do đó Chủ tịch nước đề nghị Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ quảng bá, đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, thu hút thêm nhiều khách du lịch đến khám phá Việt Nam.