Chủ tịch nước: Phát triển các nguồn lực, sớm đưa Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu

Chủ tịch nước: Phát triển các nguồn lực, sớm đưa Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu

(PLO)- Chủ tịch nước Lương Cường biểu dương các kết quả đã đạt được, đồng thời yêu cầu Thanh Hóa thực hiện các nhiệm vụ, sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Ngày 5-12, Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020- 2025 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa2.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: ĐT

Cùng tham gia buổi làm việc có ông Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, ông Đào Ngọc Dung, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TBXH, Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam...

Thu ngân sách nhà nước hơn 189 ngàn tỉ đồng

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Minh Tuấn Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới,

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Thanh Hóa thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Kết quả, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2024) ước đạt 9,92%. Quy mô GRDP năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại ước đạt 318.752 tỉ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 3.360 USD, gấp 1,52 lần năm 2020.

Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa6.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Đỗ Minh Tuấn báo cáo về tình hình phát triển KT-XH của Thanh Hóa giai đoạn 2021-2024. Ảnh: ĐT

Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021- 2024 ước đạt 189.588 tỉ đồng; trong đó, riêng năm 2024 ước đạt 54.341 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay...

Đến hết năm 2024, có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông nông thôn (NTM), 377/465 xã đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 116 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (giai đoạn 2021- 2024) ước đạt 16,45%.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh, trong thời gian tới Thanh Hóa tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa7.jpg
Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tại buổi làm việc. Ảnh: ĐT

Phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân chung của cả nước.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất, tranh thủ tốt thời cơ, vận hội mới, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế.

z6099313548269_54a357a5be5091567f993a2c5ace5979.jpg
Các thành viên trong Đoàn công tác tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: ĐT

Trong thời gian tới Thanh Hóa cần chủ động, huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra...

Đến năm 2030, Thanh Hóa thành “Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại”

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Lương Cường nêu rõ: Thanh Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa... nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực.

Những năm qua, tỉnh Thanh Hoá luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đây được xem là chìa khóa để Thanh Hóa bứt phá trong tương lai.

Chiêm ngưỡng làng quê ở Thanh Hóa quy hoạch kiểu ô bàn cờ như Barcelona - 5.JPG
Thị trấn Quý Lộc, Yên Định, Thanh Hóa nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐT

Chủ tịch nước Lương Cường biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được và đề nghị tỉnh Thanh Hoá cần tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, định hướng phấn đấu đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành “Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại”, đến năm 2045 là “tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.

Chủ tịch nước yêu cầu Thanh Hóa cần thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của tỉnh; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc.

Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa3.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: ĐT

Thanh Hóa cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tỉnh cần tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2025-2030, kiên quyết không để lọt vào khóa mới những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thanh Hóa cần tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, địa phương trong tỉnh.

Chú trọng sắp xếp, phân bố không gian phát triển theo hành lang kinh tế, trục phát triển; trong đó, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế...

Huyện Đông Sơn sáp nhập vào TP Thanh Hóa chính thức hoạt động từ năm 2025 -5.jpg
Đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Trong ảnh là TP Thanh Hóa chụp từ trên cao. Ảnh: ĐT

Tỉnh cũng tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản của sự phát triển. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển KT-XH. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, chi phí thấp để thu hút các dự án đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm mới...

Chủ tịch nước Lương Cường tin tưởng Thanh Hoá sẽ sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

5 kiến nghị của Thanh Hóa

Tại buổi làm việc, Thanh Hoá đề nghị Chủ tịch nước Lương Cường có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ và các Ban, bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ để Thanh Hóa phát triển.

Một là xem xét hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình thực hiện đầu tư dự án tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (tại huyện Ngọc Lặc) với Quốc lộ 6 (tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) với chiều dài 109km, tổng kinh phí khoảng 16.500 tỉ đồng.

Hai là xem xét, hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách trung ương để đầu tư dự án tuyến đường nối TP Thanh Hóa đi huyện Ngọc Lặc và các huyện phía tây Thanh Hóa để giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu với tổng mức đầu tư khoảng 5.400 tỉ đồng.

Ba là đề nghị Chính phủ, Bộ Nội Vụ… giao bổ sung biên chế ngành giáo dục cho tỉnh Thanh Hóa trong năm 2025 và 2026, đồng thời hỗ trợ kinh phí để tỉnh Thanh Hóa giao hợp đồng lao động giáo viên, nhân viên hành chính theo quy.

Bốn là, bổ sung chính sách thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, với mức phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng.

Năm là, nâng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh trong thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, nhằm đảm bảo nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Đọc thêm