Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác đến Mỹ dự APEC

(PLO)- Chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Mỹ đã truyền tải được những thông điệp quan trọng về quan điểm, cách tiếp cận của Việt Nam với những thách thức đang đặt ra với thế giới và khu vực...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo TTXVN, khoảng 7 giờ sáng 19-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Sân bay Quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Thành công của chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trong các hoạt động đối ngoại đa phương và song phương, góp phần tiếp tục duy trì và củng cố cục diện đối ngoại hòa bình, ổn định, thuận lợi sự phát triển đất nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác đến Mỹ dự APEC
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Ảnh: TTXVN

Truyền tải những thông điệp quan trọng

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Hội nghị cấp cao APEC năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam gia nhập APEC. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu cấp cao đã tham dự các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC 2023 và có những đóng góp quan trọng, góp phần vào thành công của Hội nghị.

Theo ông Sơn, chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thành công tốt đẹp, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đồng thời, truyền tải được những thông điệp quan trọng về quan điểm, cách tiếp cận của Việt Nam đối với những thách thức đang đặt ra với thế giới và khu vực, chủ trương, chính sách cụ thể trong triển khai đường lối đối ngoại.

Tại các sự kiện, Chủ tịch nước đã nêu bật những ý tưởng và đề xuất đóng góp của Việt Nam nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới, đặc biệt là yêu cầu về một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã có những đề xuất cụ thể đối với sứ mệnh và nhiệm vụ của APEC trong giai đoạn mới nhằm thích ứng và tiếp tục thành công. Đó là duy trì và củng cố những thành tựu quan trọng về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu. Đó là hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức. Đó là tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng.

“Những ý tưởng, quan điểm này được các nhà Lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và đưa vào văn kiện của Hội nghị, qua đó mở ra những hướng đi mới cho hợp tác của APEC” – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói.

2-chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-ket-thuc-chuyen-tham-my-apec.jpeg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự Phiên họp cấp cao về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương (IPEF) vì thịnh vượng. Ảnh: TTXVN

Cũng tại hội nghị lần này, Việt Nam đã nêu đề xuất đăng cai APEC 2027 và được các nước nhất trí ủng hộ. Đề xuất này đã khẳng định cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng. Điều này cũng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của chúng ta về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là minh chứng sống động về sự tin cậy của các thành viên APEC cũng như cộng đồng quốc tế đối với vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, tất cả thành viên APEC đều bày tỏ đánh giá cao những đóng góp rất thiết thực, xây dựng của Việt Nam đối với APEC trong hơn hai thập kỷ qua và khẳng định sự tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam.

4-chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-ket-thuc-chuyen-tham-my-apec.jpeg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Phiên họp hẹp các Nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Ảnh: TTXVN

Nỗ lực triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay trong khuôn khổ chuyến công tác, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các cuộc gặp, trao đổi với Tổng thống Joe Biden, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry, Thống đốc bang California, Phó Thị trưởng TP Los Angeles.

Ông cũng tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu Mỹ như Boeing, Apple, phát biểu tại Hội đồng quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), dự và phát biểu chỉ đạo tại Bàn tròn về kết nối địa phương Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ về công nghệ cao, thăm Bệnh viện Y, Đại học Stanford…

Đáng chú ý, bài phát biểu của Chủ tịch nước về tình hình thế giới, đường lối đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam- Mỹ tại CFR được các giới tại Mỹ đánh giá rất cao.

Trong bài phát biểu này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam-Mỹ phát triển tốt đẹp như ngày nay, là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Ông cho biết phương châm của Việt Nam trong quan hệ Mỹ là 'gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai'.

“Lãnh đạo Mỹ đã khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam 'mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.'. Chúng tôi xác định Mỹ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình” – Chủ tịch nước nói trong bài phát biểu của mình.

5-chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-ket-thuc-chuyen-tham-my-apec.jpeg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các Nhà Lãnh đạo APEC tại phiên Đối thoại giữa nhà Lãnh đạo các Nền Kinh tế APEC và khách mời. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định chuyến đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã góp phần triển khai kết quả những thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước sau khi nâng cấp quan hệ Việt Nam-Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Các cuộc gặp tập trung vào kinh tế-thương mại-đầu tư, trong đó Mỹ sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, coi khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá. Đồng thời, tiếp tục hợp tác giáo dục-đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục tỏ quan tâm cao tới thị trường Việt Nam, khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, năng lượng. Những doanh nghiệp này cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao... phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

6-chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-ket-thuc-chuyen-tham-my-apec.jpeg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC. Ảnh: TTXVN

Cũng Nhân Tuần lễ cấp cao APEC, đã diễn ra Cuộc gặp giữa các nhà Lãnh đạo về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) vì thịnh vượng.

Hoạt động này đánh dấu bước tiến quan trọng của sáng kiến sau một năm rưỡi thảo luận và đàm phán giữa 14 quốc gia.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước đã đề xuất ba định hướng lớn đối với IPEF trong triển khai hợp tác thời gian tới, nhằm phát huy tối đa tiềm năng và thực sự hiệu quả.

Ông cũng cùng các nhà Lãnh đạo đã ra tuyên bố khẳng định mục tiêu xây dựng IPEF trở thành diễn đàn mở, bao trùm, linh hoạt, dài hạn và năng động. Tuyên bố nhằm thúc đẩy các lợi ích chung, góp phần bảo đảm tương lai hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cho mọi người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm