Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn thơ của nữ thi sĩ Mỹ nói về hòa bình, thịnh vượng...

(PLO)- Theo Chủ tịch nước, cộng đồng doanh nghiệp luôn là một phần quan trọng của tiến trình APEC, đóng góp tích cực xây dựng và thực thi chính sách cũng như thúc đẩy các ý tưởng mới, tư duy mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-11 (giờ địa phương), tại San Francisco, Mỹ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu đề dẫn tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC.

Hội nghị lần này có chủ đề "Phát triển bền vững và bao trùm".

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước nhìn nhận Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2023 là dịp quan trọng để các bên chia sẻ tầm nhìn và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề lớn, cấp bách, chiến lược đối với tương lai của khu vực và thế giới.

“Hội nghị này sẽ đóng góp thiết thực cho hợp tác và phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương, cũng như thành công của cộng đồng doanh nghiệp khu vực” – ông bày tỏ tin tưởng.

Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2023
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC. Ảnh: TTXVN

APEC giúp khôi phục, củng cố niềm tin vào tự do thương mại và đầu tư

Theo Chủ tịch nước, kinh tế thế giới hiện nay đang có những mâu thuẫn lớn như khoảng cách giàu nghèo, biến đổi môi trường, sự phát triển mạnh mẽ về khoa học – kỹ thuật, nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững chưa đảm bảo. Những điều này đã đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp căn bản để giải quyết, trong đó đặc biệt cần một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn.

Giải pháp thứ nhất là phải bảo đảm mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Thứ hai, duy trì nền kinh tế thế giới mở, kết nối song hành với bảo đảm an ninh kinh tế của các quốc gia.

Thứ ba, quản trị toàn cầu về công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học) không chỉ hướng đến quản lý sự phát triển của các loại công nghệ, mà còn phải giải quyết các hệ quả kinh tế-xã hội, văn hoá, chính trị từ quá trình này.

Thứ tư, cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Và yêu cầu cấp thiết là phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính công, tư, trong nước và quốc tế, cũng như đóng góp của các tổ chức và người dân.

2-chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-phat-bieu-tuan-le-apec.jpg
Chủ tịch nước đã nêu ra bốn giải pháp để giải quyết căn bản những mâu thuẫn hiện nay của kinh tế thế giới. Ảnh: TTXVN

Đề cấp đến vai trò của APEC trong giải quyết các thách thức của kinh tế thế giới, Chủ tịch nước nhìn nhận từ khi ra đời đến nay, APEC đã luôn là “vườn ươm” các ý tưởng liên kết kinh tế, đặt nền móng cho các thỏa thuận hợp tác toàn cầu. APEC cũng đi đầu trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó thiên tai, ủng hộ mạnh mẽ cho bình đẳng giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục…

Còn trong bối cảnh hiện nay, APEC chính là nơi để các bên cùng tìm kiếm và thử nghiệm những ý tưởng, giải pháp mới. APEC sẽ là “địa chỉ” giúp khôi phục và củng cố niềm tin vào tự do thương mại và đầu tư.

Cùng đó, thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh kinh tế, đặc biệt là nâng cao sức chống chịu của các nền kinh tế thành viên và các doanh nghiệp trong khu vực trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Ngoài ra, APEC còn hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các xu thế phát triển mới thông qua ứng dụng và quản lý các công nghệ đột phá, nhất là trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, công nghệ sinh học. Nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng sạch…

Theo Chủ tịch nước, cộng đồng doanh nghiệp luôn là một phần quan trọng của tiến trình APEC, đóng góp tích cực xây dựng và thực thi chính sách cũng như thúc đẩy các ý tưởng mới, tư duy mới.

Trước những thách thức to lớn mà chúng ta đang đối mặt, ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong thực hiện cam kết về phát triển bền vững, theo đuổi các mục tiêu dài hạn về kinh tế, môi trường và xã hội. Tăng cường đầu tư vào khoa học-công nghệ, đầu tư vào con người, đầu tư xây dựng các cộng đồng bao trùm, tự cường.

“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có dấu ấn của mình trong xã hội, xây dựng niềm tin và giá trị của thương hiệu” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-phat-bieu-tuan-le-apec.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm các gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam bên lề hội nghị. Ảnh: TTXVN

Ba nhóm giải pháp tăng trưởng bền vững của Việt Nam

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo đảm tất cả người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Ông nói: “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải được tiến hành ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Với quan điểm đó, Việt Nam đang triển khai đồng bộ ba nhóm giải pháp chính. Cụ thể, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển đổi xanh hướng tới các mục tiêu, cam kết toàn cầu về khí hậu.

Tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ phân biệt trong xã hội. Người dân là mục tiêu, là chủ thể của phát triển, mọi chính sách và hoạch định tương lai phải hướng tới hạnh phúc của người dân.

3-chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-phat-bieu-tuan-le-apec.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký poster lưu niệm tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC. Ảnh: TTXVN

Và hiện nay, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: (i) Khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; (ii) Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; (iii) Linh kiện điện tử, ô tô điện...; (iv) Sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; (v) Phát triển trung tâm tài chính, tài chính xanh; và (vi) Công nghệ sinh học, y tế…

Theo Chủ tịch nước, Việt Nam luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; cũng như bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.

“Chúng tôi nhìn nhận sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính mình, và thất bại của doanh nghiệp cũng là thất bại của Nhà nước trong điều hành chính sách”- ông nhấn mạnh và khẳng định Việt Nam luôn chào đón, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp các nước đến đầu tư trong các lĩnh vực nêu trên.

Theo Chủ tịch nước, thành công của APEC chỉ có thể đạt được trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa các thành viên, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân.

Do đó, ông mong rằng tất cả thành viên APEC cùng đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa đa phương, gác lại khác biệt để cùng giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức vì hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương xây dựng một tương lai tươi sáng cho mọi người dân.

Dẫn lại những câu thơ ấm áp, tươi sáng của nữ thi sĩ Ina Coolbrith, nhà thơ danh dự đầu tiên của nền thi ca California vào đầu thế kỷ 20 về TP San Francisco: “Từ nơi đây, Cổng Vàng thành phố/Đón tia nắng phương đông rực rỡ/Hoàng hôn buông ráng chiều lấp lánh/Ngự trong ánh hào quang muôn thuở/Thành phố của sương mù, và của những giấc mơ!”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn các bên hãy cùng nhau tiếp tục thắp sáng những giấc mơ của TP, của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động, sáng tạo, thịnh vượng và của thế giới hòa bình, hợp tác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm