Sáng 15-11 (theo giờ địa phương, tức rạng sáng 16-11) tại TP San Francisco, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự buổi trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR). Đây là một trong những hoạt động của Chủ tịch nước trong chuyến công tác tại Mỹ từ 14 đến 17-11.
Sự kiện có sự tham dự của ông Michael Froman, Chủ tịch CRF và nhiều chuyên gia, học giả, cùng một số cơ quan báo chí tại Mỹ.
Việt Nam thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không"
Phát biểu trước các học giả Mỹ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã điểm lại một số thành tựu nổi bật về kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới. “Trong quá trình ấy, người dân với tất cả quyền con người, quyền công dân là trung tâm của các chính sách và hoạch định tương lai” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông cũng đồng thời khẳng định Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
CFR là tổ chức tham vấn, nghiên cứu độc lập về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ với sự góp mặt của nhiều cựu chính trị gia, nhà nghiên cứu tên tuổi tham gia phân tích sâu về các vấn đề quốc tế và tham vấn chính sách đối ngoại.
Cùng với đó, Việt Nam cũng thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không" là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”
Việt Nam ủng hộ việc củng cố, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, đa phương và tăng cường phối hợp quốc tế để làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa, chấm dứt xung đột; để giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cứu trợ nhân đạo quốc tế...
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc lại sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Mỹ, năm tháng sau ngày Việt Nam độc lập (16-02-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Truman bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Mỹ. Tuy nhiên, do những điều kiện, hoàn cảnh của lịch sử, mong muốn ấy đã phải trải qua nhiều thác ghềnh, thử thách.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam-Mỹ phát triển tốt đẹp như ngày nay, từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước
“Phương châm của Việt Nam trong quan hệ Mỹ là 'gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai'”- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ và nhấn mạnh rằng, sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tin cậy nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng.
Lãnh đạo Mỹ đã khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam 'mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.'. Chúng tôi xác định Mỹ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình.”
Quan tâm công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam
Trao đổi với các học giả CFR, trả lời câu hỏi của ông Scott Marciel – người điều hành cuộc trao đổi về thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong phát triển sản xuất chất bán dẫn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, Việt Nam mong muốn Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ được thực hiện một cách đầy đủ, trong đó có vấn đề hợp tác sản xuất chất bán dẫn, chip và lĩnh vực công nghệ cao.
Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, Chủ tịch nước đề nghị Mỹ cần quan tâm công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Và việc này cần thực hiện bằng quyết sách chính trị, không nên theo quy định một cách cứng nhắc.
Mỹ cũng cần sớm tháo gỡ việc xếp hạng Việt Nam trong nhóm nước hạn chế hỗ trợ hợp tác về chip, chất bán dẫn. Việt Nam cũng mong muốn Mỹ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao về vấn đề này…
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng vì trong chuyến công tác Mỹ lần này có các thỏa thuận hợp tác của các Trường Đại học Mỹ hỗ trợ đào tạo sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực này.
Trả lời câu hỏi của một phóng viên về vấn đề vai trò của người Mỹ gốc Việt trong tiến trình thúc đẩy hợp tác hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết Việt Nam hoan nghênh và mong muốn người Việt tại Mỹ thường xuyên về Việt Nam để chứng kiến thực tiễn và những đổi thay của đất nước. ““Trăm nghe không bằng một thấy” người Việt ở Mỹ về Việt Nam chắc chắn sẽ vui mừng trước những thay đổi của đất nước thời gian qua” - Chủ tịch nước nói.
Liên quan đến câu hỏi về vấn đề những khó khăn của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã nỗ lực, chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà Việt Nam cần có sự ủng hộ, giúp đỡ về quyết tâm chính trị, thông qua những hành động cụ thể của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là việc hỗ trợ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL của Việt Nam, bởi đây là vấn đề liên quan đến dòng chảy sông Mekong, cần có sự chung tay của cộng đồng khu vực và quốc tế.