Hôm nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Phu nhân lên đường sang Mỹ

(PLO)- Chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn ra trong bối cảnh đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay, 14-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam rời sân bay Nội Bài, Thủ đô Hà Nội, lên đường đến Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chuyến thăm sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17-11. Trong thời gian này, Chủ tịch nước cùng Đoàn sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 cùng nhiều hoạt động kết hợp hoạt động song phương tại TP San Francisco.

Đây cũng là chuyến đi Mỹ đầu tiên của ông Võ Văn Thưởng trên cương vị Chủ tịch nước. Chuyến công tác diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm hội nghị cấp cao đầu tiên của các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC diễn ra tại Mỹ (năm 1993) và đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập APEC (năm 1998).

Năm APEC 2023 có chủ đề kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người, trong đó tập trung vào ba ưu tiên, gồm kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm.

chu-tich-nuoc-tiep-tong-thong-my-2.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam hồi tháng 9 vừa qua. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động song phương tại Mỹ của Chủ tịch nước có ý nghĩa quan trọng.

Tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công.

Chủ tịch nước sẽ cùng các nhà lãnh APEC đạo thảo luận những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực. Đồng thời, đề ra những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam sẽ cùng các thành viên thúc đẩy tinh thần đối thoại, xây dựng, trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa đa phương, cùng hợp tác, cùng hành động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực.

Chủ tịch nước sẽ tham dự, phát biểu và có nhiều cuộc làm việc tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC CEO Summit. Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực với sự tham dự của hơn 2.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tại đây, Chủ tịch nước sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp, vượt qua những thách thức trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, tận dụng được các cơ hội để thúc đẩy phát triển bền vững của khu vực và từng nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Quan hệ Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, với dấu mốc hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9-2023.

Hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về kinh tế, khoa học-công nghệ, giáo dục- đào tạo, nhân đạo, trong đó có các hợp đồng thương mại với tổng giá trị trên 10 tỉ USD.

Phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngay sau chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi quan hệ hai nước, cho rằng đây là một hình mẫu quan hệ.

Ông nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh Lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương…

Ba dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong tiến trình APEC

APEC là cơ chế hợp tác và liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương với 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số, 59% GDP và gần 50% thương mại thế giới.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC cũng là ưu tiên quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh, phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.

Trong 25 năm gia nhập APEC, Việt Nam đã có nhiều đóng góp và để lại dấu ấn quan trọng trong tiến trình APEC.

Thứ nhất, Việt Nam là một trong số không nhiều các nền kinh tế hai lần được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đảm nhiệm vai trò chủ nhà các Năm APEC vào các năm 2006 và 2017. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, hai Hội nghị Cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017 đều được đánh giá thành công.

Thứ hai, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác, với gần 150 dự án, trên các lĩnh vực từ phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại điện tử, an ninh lương thực, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đến phát triển nông thôn và đô thị, rác thải đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu….

Các sáng kiến, dự án này một mặt thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với quan tâm và lợi ích của các thành viên, đồng thời phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam đã khẳng định vai trò điều hành, thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác của APEC thông qua đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế của Diễn đàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm